Hà Tĩnh:

Nữ lao động Việt gửi đơn thư "kêu cứu" vì bị hành hạ, mắc kẹt ở Ả-rập Xê-út

(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp tại Hà Nội và Nghệ An khẩn trương báo cáo các vấn đề liên quan đến một nữ lao động của tỉnh này bị chủ sử dụng lao động người Ả-rập Xê-út hành hạ, hiện mắc kẹt tại nước này chưa thể về nước.

Sáng ngày 21/8, nguồn tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho hay, chị Nguyễn Thị Phương, SN 1990, trú xã Phúc Đồng, Hương Khê vừa có đơn thư từ Ả-rập Xê-út gửi về nước đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, hỗ trợ sớm đưa chị này về nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm các doanh nghiệp đưa chị sang lao động tại nước này không đúng như giới thiệu hay hợp đồng ký kết.

Theo nội dung chị Phương phản ánh: đầu năm 2018, qua quen biết, chị được một đôi nam nữ tên Dương và Lạc giới thiệu làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út với cam kết sẽ có trách nhiệm với chị Phương cho đến khi hết hạn hợp đồng và về nước.

Sau đó đôi nam nữ đưa chị Phương đi làm giấy tờ thủ tục, học ngoại ngữ tại Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen, số 18 đường Nguyễn Thị Định, phường Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An.

Nữ lao động Việt gửi đơn thư kêu cứu vì bị hành hạ, mắc kẹt ở Ả-rập Xê-út - 1

Chị Phương (hiện mắc kẹt tại Ả-rập Xê-út ) và Hợp đồng đưa người đi lao động làm việc tại Ả-rập Xê-út mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam ký với chị Phương.

Sau khi hoàn thành khóa học ngoại ngữ cùng các hồ sơ, thủ tục hoàn tất, ngày 12/3/2018, chị Phương được đi xuất khẩu lao động sang Ả-rập Xê-út theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam, địa chỉ tại ngõ 149, phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tuy nhiên, theo thông tin của chị Phương, sau khi sang Ả-rập Xê-út, chị đã không gặp may khi gặp phải ông chủ đối xử không tốt. Ngoài việc phải làm việc vất vả, chị còn bị ông chủ đánh đập, bỏ đói, không trả lương, thậm chí có nhiều hành vi khiếm nhã, quấy rối tình dục.

Ông chủ này cũng thu giữ điện thoại để ngăn cản chị Phương liên lạc với gia đình.

Sau đó, chị Phương được đưa vào trại tị nạn do chủ nhà kiện ngược chị dùng dao để khống chế và đe dọa.

Đến nay đã hơn 1 năm, dù chị đã nhiều lần cố gắng liên hệ với doanh nghiệp nhưng không nhận được trợ giúp để quay về Việt Nam.

Từ lời kêu cứu của chị Phương, ngày 12/8/2019, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã có Văn bản số 1792/SLĐTBXH-LĐVL yêu cầu Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam phải báo cáo giải trình toàn bộ nội dung vụ việc liên quan đến lao động Nguyễn Thị Phương.

Nữ lao động Việt gửi đơn thư kêu cứu vì bị hành hạ, mắc kẹt ở Ả-rập Xê-út - 2

Văn bản Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh gửi Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam.

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam báo cáo đầy đủ về quá trình tuyển chọn lao động, ký kết hợp đồng và tổ chức đưa người lao động sang nước ngoài làm việc tại Ả-rập Xê-út; báo cáo về tình trạng việc làm đời sống, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của nữ lao động này.

Đồng thời, Sở đề nghị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam báo cáo công tác phối hợp, kiến nghị, đề xuất của công ty đối với Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động Nguyễn Thị Phương.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho hay, đơn vị đang tập trung làm rõ vụ việc. Ưu tiên lớn nhất của cơ quan chức năng lúc này là bảo đảm an toàn tính mạng và các quyền lợi chính đáng khác của nữ lao động đang bị mắc kẹt tại Ả-rập Xê-út.

“Trước mắt các công ty có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho lao động, sớm đưa lao động về nước. Còn các công ty sai đúng ở đâu sẽ được cơ quan chức trách làm rõ, sớm trả lời công luận”- vị cán bộ này cho hay.

Hà Phương