Đà Nẵng:

“Nóng” tranh luận nghị quyết hạn chế phương tiện cá nhân

(Dân trí) - Chiều 7/7, trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết mở rộng mạng lưới các phương tiện vận tải công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về nghị quyết này.

Tại phiên cuối cùng của kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào chiều 7/7, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã trình bày dự thảo nghị quyết về đề án mở rộng mạng lưới các phương tiện vận tải công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm thành phố, kèm theo đó là nhiều giải pháp nhằm giảm tải áp lực giao thông đô thị.

Đà Nẵng sẽ mở rộng mạng lưới vận tải công cộng, hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân ở trung tâm thành phố
Đà Nẵng sẽ mở rộng mạng lưới vận tải công cộng, hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân ở trung tâm thành phố

Cho đây là một đề án lớn, thời gian triển khai thực hiện kéo dài, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các đại biểu (ĐB) cân nhắc trước khi biểu quyết thông qua hay không. Ông Anh dẫn thêm ý kiến vừa rồi Hà Nội đã thông qua nghị quyết đến 2030 sẽ cấm xe máy vào nội đô, nghị quyết của Đà Nẵng không phải như thế, nhưng cũng là nghị quyết lớn, cần bàn thảo kỹ lưỡng.

Ngay đó, nghị trường Đà Nẵng “nóng” lên với nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn. ĐB Tô Hùng -Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố - lưu ý nội dung hạn chế các phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm thành phố. “Nhà dân ở dày đặc trong trung tâm thành phố, có thể hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, nhưng làm sao cấm người dân đưa xe về nhà mình”- đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Võ Văn Thương băn khoăn: “Việc Hà Nội quyết đến 2030 sẽ cấm xe máy vào nội đô đã được bàn thảo, chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm trước khi đưa ra nghị quyết; còn đề án này của Đà Nẵng thì tôi thấy chưa được bàn sâu”. Đại biểu Thương đề nghị nên khoan thông qua nghị quyết về đề án này ở kỳ họp HĐND thành phố lần này.

Đồng ý với ĐB Võ Văn Thương, nhiều ĐB cũng ý kiến việc mạng lưới các phương tiện vận tải công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân là xu thế tất yếu, là hướng đi đúng, nhưng cần công khai lấy ý kiến phản biện xã hội rộng rãi, để các ban HĐND thành phố thẩm tra rồi đưa ra nghị quyết ở kỳ họp sau.

Tuy nhiên, ĐB Tô Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố - cho biết đề án này đã được Ban Đô thị thẩm tra 2 lần, nghiên cứu cả kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, cả ở các thành phố lớn trong nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, đã lấy ý kiến chuyên gia ở nhiều cuộc họp rồi chứ không phải chưa được bàn sâu như đại biểu Thương nói.

Còn ĐB Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT nói trước khi Sở tham mưu các nội dung đề án thì đã chuẩn bị từ 2 năm trước. Nếu để lại kỳ họp sau trình đề án thì nội dung cơ bản cũng giống như lần này.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố - chia sẻ với những băn khoăn của các ĐB, và phân tích thêm đề án này mới chỉ mang tính định tính chứ chưa định lượng cụ thể và chia làm 3 giai đoạn triển khai thực hiện. Nếu kéo dài thêm 6 tháng, để kỳ họp cuối năm đưa ra trước khi lấy ý kiến rộng rãi thì cũng tốt, nhưng sẽ không có cơ sở để nghiên cứu. Nên thông qua chủ trương trước để có cơ sở nghiên cứu từng phần đề án, rồi đưa ra lấy ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố - “chốt” lại đồng ý thông qua đề án về mặt chủ trương hướng tới mục tiêu giảm tải áp lực giao thông đô thị về lâu dài. Còn lại từng phần kế hoạch triển khai thực hiện đề án sẽ đưa ra bàn thảo ở các kỳ họp kế tiếp và có sự giám sát của các đại biểu HĐND thành phố để triển khai thực hiện sao cho phù hợp. Kết quả, đa số đại biểu đồng ý thông qua nghị quyết này.

Tâm An