Bến Tre:

Nông dân “mót” từng hạt lúa trong mùa hạn, mặn khủng khiếp

(Dân trí) - Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp làm cho gần 100% diện tích lúa của tỉnh Bến Tre bị thiệt hại. Một số diện tích lúa mới trổ bị nghẹn đòng được nông dân cố gắng dưỡng lại để thu hoạch được hạt nào hay hạt nấy.

Trời nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ ấp An Quí, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đứng trên bờ ruộng nhìn cánh đồng đang dần chuyển màu vàng mà muốn rơi nước mắt. Do không có đất sản xuất nên bà thuê 5 công (5.000 m2) để trồng lúa mong có cái ăn và thu hoạch rơm nuôi mấy con bò. Nào ngờ khi lúa trổ đòng, nước mặn tràn về khiến lúa bị ngẹn đòng, một vài bông trổ được thì cũng chỉ lưa thưa vài hạt còn lại đều bị lép.

Bà Dung nói mà giọng buồn thiu: “Nhờ tôi sạ sớm và ráng giữ nên mới còn như thế này còn mấy cánh đồng bên kia thì chết khô từ giai đoạn mạ. Bây giờ “mót” được hạt nào đỡ hạt nấy, mỗi công lúa chưa chắc thu được 1 giạ (20 kg) nhưng cũng phải ráng bỏ công ra cắt rồi tuốt để có rơm cho bò ăn cầm cự”.

Phần lớn diện tích lúa ở tỉnh Bến Tre đều bị cháy khô, mất trắng
Phần lớn diện tích lúa ở tỉnh Bến Tre đều bị cháy khô, mất trắng

Theo bà Dung, mấy hôm trước bò hết thức ăn nên ra ruộng cắt một mớ lúa đem vô cho bò nhưng cũng bị “chê” vì lá lúa chưa tuốt còn cứng. Vì vậy, bây giờ trên đồng còn hạt lúa nào nay không cũng phải cắt rồi mướn máy tuốt cho cọng mềm ra mới cho bò ăn được.


Ông Công bên mớ lúa đã cắt xong nhưng chẳng còn được bao nhiêu hạt.

Ông Công bên mớ lúa đã cắt xong nhưng chẳng còn được bao nhiêu hạt.

Gia đình ông Hồ Văn Công, ngụ An Hòa Tây (Ba Tri) đã thu hoạch “mót” 4 công lúa nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Ông Công cho biết: “Tôi bỏ công ra thu hoạch rồi mướn máy tuốt nhưng 4 công lúa chỉ được mấy giạ giờ bán cũng chẳng ai mua. Tuy vậy buộc phải thu hoạch để lấy rơm cho bò ăn trong mùa hạn hạn khốc liệt này”.

Năm nay đã gần 70 tuổi, cả đời làm nông nhưng chưa năm nào ông gặp tình cảnh như hiện nay.

Khi đem mấy bao lúa về tới nhà, bà Nguyễn Thị Chi (vợ ông Công) hốt nắm lúa lên toàn là lúa lép và ngậm sữa được phân nửa hạt nên chẳng biết phải làm gì. Ông Chi phân trần: “Kiểu này chắc phơi khô rồi đem vô nhà máy chà tách vỏ coi hạt nào còn thì đem về ăn, hạt nạo lép thì thành cám cho bò ăn chứ không biết phải làm sao”.

Ông Mạc Văn Hoàng, cán bộ khuyến nông xã An Hòa Tây cho biết: “Diện tích lúa toàn xã khoảng 400 ha, vụ này chỉ xuống giống 70 ha nhưng thiệt hại gần như hoàn toàn. Một số hộ sạ sớm cố gắng giữ lại nhưng cũng thu hoạch theo kiểu “được hạt nào đỡ hạt nấy” vì lúa đã bị lép. Đa số những hộ này cố gắng bỏ công ra để thu hoạch rơm cho bò ăn”.

Gia đình bà Chi thu hoạch được chỉ 1 ít lúa nhưng lượng lép rất nhiều không biết phải làm gì
Gia đình bà Chi thu hoạch được chỉ 1 ít lúa nhưng lượng lép rất nhiều không biết phải làm gì

Trên cánh đồng lúa ấp Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) rất nhiều diện tích lúa đã chết cháy, số còn lại cũng coi như mất trắng vì chết dần, chết mòn và trổ lên hạt lép.

Ông Nguyễn Văn Sơn trồng 7 công lúa ở đây cho biết: “Thu hoạch được bao nhiều đỡ bấy nhiêu chứ biết làm sao bây giờ, những nông dân còn “neo” lại chủ yếu lấy rơm cho bò ăn chứ hiện nay giá rơm cũng rất đắt đỏ”. Ông Sơn và nhiều nông dân nơi đây bây giờ coi việc lấy rơm cứu đói cho đàn bò là quan trọng hơn vì trên đồng chẳng còn bao nhiêu lúa có thể thu hoạch được.

Nông dân "mót" từng bông lúa trên cánh đồng bị hạn, mặn khủng khiếp

Đến thời điểm này, theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Bến Tre có đến 13.800 ha lúa bị thiệt hại 100%, diện tích còn lại cũng ngả sang màu vàng và đang chết dần, chết mòn. Hiện tại chỉ còn 4 xã của huyện Chợ Lách là không bị xâm nhập mặn, còn lại có đến 165 xã đều bị nhiễm mặn hết nên bà con nơi đây sau trắng tay mất mùa là đói kém.

Minh Giang

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt