Phú Yên:

Nông dân điêu đứng vì cây tiêu bỗng nhiên chết

(Dân trí) - Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay, cây tiêu ở các xã miền núi tỉnh Phú Yên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Một số xã như Sông Hinh, Sơn Thành Tây số lượng tiêu chết đã trên 60% tổng diện tích tiêu toàn xã và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Những gốc tiêu đang trong tình trạng chết dần
Những gốc tiêu đang trong tình trạng chết dần

Trong vòng vài năm trở lại đây, cây tiêu được xem là “vàng đen” của nhiều người dân xã miền núi tỉnh Phú Yên. Với khoảng 500 cây tiêu, mỗi năm người nông dân có thể bỏ túi trên 100 triệu đồng. Nhưng từ khoảng đầu mùa mưa 2016 đến nay, cây tiêu ở địa phương này xảy ra tình trạng vàng lá, thối rễ và chết dần.

Chị Phạm Thị Vân thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh chia sẻ: Nhà tôi đầu tư trồng được 300 cây tiêu, cây tiêu đem lại lợi nhuận rất ổn định, như năm vừa rồi tôi thu được 70 triệu đồng, đời sống gia đình từ khi có cây tiêu cũng ổn định hơn. Nhưng từ cuối mùa mưa năm ngoái đến nay, thời tiết mưa nhiều làm cây tiêu sinh bệnh, chết dần chết mòn, đến nay vườn nhà tôi đã chết gần 60%, số còn lại cũng đã vàng lá. Có lẽ sẽ mất trắng luôn…

Cùng chung cảnh ngộ anh Lê Văn Dưỡng nói: Nhà tôi cũng có 500 cây tiêu đang chết dần, năm vừa rồi cũng vay nhà nước 50 triệu để chăm bón chúng, nhưng giờ nó chết cả tôi hết sức đau lòng. Mặc dù đau lòng, tiếc nuối nhưng cũng phải trồng lại chứ không để đất không như vậy được. Bây giờ chỉ mong các cấp các ngành cùng người dân vào cuộc xử lý lại đất làm sao để người dân có thể trồng lại, đồng thời tập huấn, trang bị lại kiến thức cho người trồng tiêu…

Cán bộ Nông nghiệp xã Sông Hinh đi kiểm tra cây tiêu chết
Cán bộ Nông nghiệp xã Sông Hinh đi kiểm tra cây tiêu chết

Hầu hết các hộ gia đình trồng tiêu ở đây đều rơi vào tình trạng tương tự. Khi tiêu chết, người dân đã chi ra hàng triệu đồng để bơm thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng , với mong mỏi sẽ cứu vãn được, nhưng càng cứu lại làm cho cây tiêu chết nhanh hơn.

Theo các hộ dân ở đây cho biết, việc đầu tư cho cây tiêu khá lớn. Từ khi trồng cho đến khi đưa vào kinh doanh mất 5 năm với chi phí mỗi gốc tiêu từ 500.000 - 600.000 đồng.

Liên quan đến việc cây tiêu chết, Cán bộ Nông nghiệp xã Sông Hinh chị A Lê H. Thi cho biết: trên địa bàn xã có khoảng 35 hecta cây tiêu, nhưng đến nay số đã chết đã lên đến 60% tổng diện tích, số còn lại cũng đã vàng lá, sợ không cầm cự được. Đến nay xã cũng đã hỗ trợ những gia đình bị nặng 500.000 đồng. Số diện tích tiêu còn lại sẽ được các cán bộ nông nghiệp theo dõi và cùng người dân tìm cách cứu.

Không riêng gì ở xã Sông Hinh, nông dân ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự, 95 hecta trong số 237 hecta cũng bị nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, mực nước ngầm trong khu vực trồng tiêu dâng cao, khiến nhiều vườn tiêu bị ngập úng dài ngày, dẫn đến cây tiêu bị thối rễ, nhiều loại nấm xâm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm.

Nhiều vườn tiêu đã tan hoang, mất trắng
Nhiều vườn tiêu đã tan hoang, mất trắng

Trước tình này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, thống kê diện tích cây tiêu bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân chủ động khai thông nước cho vườn tiêu. Đối với những cây tiêu đã chết, cần nhanh chóng thu dọn và tiêu hủy để hạn chế tối đa nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau. Những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón phân lân dễ hòa tan để kích thích ra rễ mới; đồng thời sử dụng thuốc phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh chết chậm...

Trung Thi