1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Nỗi niềm người con gái 31 năm đi đòi “tên” liệt sỹ cho cha

(Dân trí) - Đã 31 năm, một người con gái cần mẫn đi đòi bằng Tổ quốc ghi công của cha bị chính quyền xã “tước” một cách vô cớ nhưng vẫn chưa nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Hơn 30 năm đi đòi lại tên liệt sỹ

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chật hẹp chị Lê Thị Nghĩ (SN 1960, trú tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe: Thời thơ ấu chị thiếu tình thương của cha (vì cha ra chiến trường) nên những hình ảnh về ông chỉ là ký ức.

Lớn lên, khi nhận thức được sự hy sinh của cha là “Tất cả vì tổ quốc quyết sinh”, chị Nghĩ rất tự hào. Vậy mà không hiểu lý do gì, chính quyền xã đã vô cớ tước đi công lao của cha chị. Ngay cả căn nhà nhỏ là nơi thờ bà nội chị Nghĩ (Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nam) và 3 liệt sỹ (gồm cha và 2 chú) cũng đã bị chính quyền đem bán.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Thái Đình Hoàng Trưởng phòng chính sách, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng thừa nhận, việc xã Hòa Khương tự ý tước bằng Tổ quốc ghi công của ông Lê Văn Nhơn là sai và việc tự ý bán ngôi nhà tình nghĩa của thân nhân liệt sỹ là một việc làm trái với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

 

Vì vậy, Sở sẽ chỉ đạo cho các đơn vị có liên quan để làm rõ thực hư vấn đề. Cương quyết xử lý những người sai phạm và bảo vệ quyền lợi và danh dự cho thân nhân gia đình liệt sỹ.

Việc bà Nam là Mẹ Việt Nam anh hùng có 3 người con hy sinh vì tổ quốc thì trên làng dưới xã Hoà Khương ai cũng biết. Đó là người con đầu Lê Văn Nhơn (bố chị Nghĩ), hi sinh năm 1964; con trai kế Lê Văn Chí, hi sinh 1968 và người con út Lê Văn Bồng, hi sinh năm 1970.

Chị Nghĩ cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, cả 3 người thân của chị đều được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, năm 1977, chính quyền xã Hoà Khương lại “tịch thu” bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Lê Văn Nhơn mà không hề có một lời giải thích nào.

Hậu quả của việc làm “vô lối” và nhẫn tâm đó đã dẫn đến việc bà nội chị không được phong tặng Huân chương Độc lập vì gia đình chỉ có 2 con là liệt sỹ. Thứ nữa là trong suốt 31 năm qua chị Nghĩ cũng không được công nhận là con liệt sỹ để hưởng các chế độ theo đúng quy định của Nhà nước.

Do tuổi già sức yếu, năm 1994 bà Nguyễn Thị Nam qua đời. Kể từ khi bà mất ngôi nhà tình nghĩa xuống cấp trầm trọng vì vậy chị Nghĩ chỉ sử dụng làm nơi thờ phụng Mẹ Việt Nam anh hùng và 3 liệt sỹ, còn mình thì vay mượn họ hàng dựng tạm túp lều bên cạnh bên để ở. Không nghề nghiệp chị Nghĩ đi làm thuê kiếm sống rồi về nương nhờ người mẹ là bà Mạc Thị Phượng ở xã Hòa Phú.

Mặc dù ở xa nhưng hàng tháng chị Nghĩ vẫn về nhà hương khói cho bà nội, cha và 2 chú trong ngôi nhà tình nghĩa ấy. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng chẳng được bao lâu vì cuối năm 2005, ông Đặng Khá (khi đó là Đội trưởng đội quy tắc đô thị huyện Hoà Vang) ký quyết định bán ngôi nhà tình nghĩa đó cho ông Đinh Ngọc Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương với giá 28 triệu đồng mà không cần đến sự đồng ý của chị Nghĩ.

Nỗi niềm người con gái 31 năm đi đòi “tên” liệt sỹ cho cha - 1
  

Ngôi nhà thờ phụng của Mẹ Việt Nam anh hùng và 3
liệt sỹ bị chính quyền xã bán năm 2005.

Sự thật đã rõ ràng vẫn không được giải quyết

Việc chính quyền xã Hòa Khương thu bằng Tổ quốc ghi công và bán ngôi nhà tình nghĩa của chị Nghĩ đã được Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoà Vang có công văn giải thích: “Chính quyền xã Hoà Khương tự ý đến nhà bà Nguyễn Thị Nam thu bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Lê Văn Nhơn là do mâu thuẩn cá nhân và không có lý do. Hiện tại, hồ sơ của liệt sỹ lưu tại Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng vẫn còn đầy đủ... Còn ngôi nhà tình nghĩa do không có người ở nên đã xuống cấp và hư hỏng nặng, vì vậy ngày 25/8/2005, UBND xã Hoà Khương đã xét bố trí cho ông Đinh Ngọc Thiên còn bà Nghĩ được bố trí cho lô đất bên cạnh ngôi nhà tình nghĩa nói trên...”.

Theo ông Hồ Xuân Lập, Bí thư Đảng ủy xã Hoà Khương: “Chuyện khiếu nại của chị Nghĩ là có thật nhưng sai sót này thuộc về chính quyền xã các nhiệm kỳ trước. Đã nhiều năm trôi qua, nhiều lần thay đổi bộ máy cán bộ nên hồ sơ đã bị thất lạc, khó giải quyết.

Như vậy, sai phạm của chính quyền xã Hòa Khương là đã quá rõ ràng, bản thân các cán bộ xã cũng thừa nhận. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ từ tháng 9/2006 Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoà Vang đã có kết luận ông Lê Văn Nhơn chưa hề bị xoá danh hiệu liệt sỹ nhưng 31 năm qua chính quyền sở tại không hề công nhận và trợ cấp cũng như cho truy lĩnh các khoản chế độ mà người thân của liệt sỹ được hưởng như Nhà nước ban hành.

Điều trớ trêu hơn, mảnh đất cạnh ngôi nhà tình nghĩa mà chị Nghĩ dựng tạm túp lều vẫn chưa có một thứ giấy tờ nào để khẳng định quyền sử dụng mảnh đất trên.

Trong nước mắt chị Nghĩ một lần nữa than thở: “Tôi thì chẳng cần gì nhưng những đóng góp và hy sinh của cha tôi cần được Nhà nước ghi nhận. Tôi chỉ mong sao có chốn hương khói sau này cho người thân”.

Trần Minh