Nỗi lo cũ trước thềm năm học mới

Chỉ 1 tuần nữa là năm học mới chính thức khai giảng. Ngoài những nỗi lo "vĩ mô" như phòng ốc xuống cấp, thiếu giáo viên, học xen, học ghép... còn một nỗi lo "vi mô" khác, thực tế hơn rất nhiều, nỗi lo muôn thuở của những học sinh nghèo...

Nhộn nhịp thị trường

 

Ngay từ giữa mùa nghỉ hè, thị trường phục vụ năm học mới đã có dấu hiệu "nóng" dần lên. Nhiều "đại gia" trong lĩnh vực sách giáo khoa (SGK), dụng cụ học tập, trang phục,... đã bắt tay chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho các "thượng đế" nhí. Theo giới kinh doanh ở TP Cần Thơ, sức mua sách, vở, quần áo... từ đầu tháng 8 đến nay tăng gấp 3-4 lần so với các tháng trước và tăng 25-30% so với thời điểm này của năm 2005.

 

Tại chợ Trà Vinh tập trung nhiều các loại đồng phục học sinh được may sẵn. Tuy được coi là hàng chợ, nhưng các nhà sản xuất đã chăm chút cho sản phẩm của mình sắc sảo hơn, loại vải may cũng đẹp hơn, đặc biệt là ở đồng phục cho nữ sinh có đến trên vài chục kiểu để người mua lựa chọn với giá khá mềm: Khoảng 40.000 - 50.000 đồng/bộ.

 

Chị Lê Thị Tuyết Vân ở xã cù lao Hòa Minh huyện Châu Thành cho biết: "Năm nay các loại quần áo may sẵn cho học sinh rất nhiều, giá tương đối rẻ, tôi mua hai bộ cho cháu khỏi mua vải về may".

 

Riêng thị trường tập, viết, SGK nhìn chung vẫn đủ sức cung ứng, chưa có hiện tượng "sốt" SGK như những năm trước, trong đó sách giáo khoa thay mới của lớp 5 và lớp 10 được tiêu thụ nhanh. Phong phú nhất vẫn là thị trường dụng cụ học tập với rất nhiều chủng loại từ trung bình đến cao cấp. Các công ty giấy tập như Vĩnh Tiến, Fahasa, Tân Tiến,... cũng đã tung ra thị trường những bộ sưu tập giấy tốt, thiết kế bìa đẹp với giá từ 2.000 - 7.000 đồng/quyển.

 

Ngay cả các loại giấy kiếng bao tập, chiếc nhãn dán tập,... cũng đầy đủ màu sắc mẫu mã có đường cắt dán sẵn; bút bi còn có loại một đầu dạ quang, một đầu viết; đến chiếc cặp da cũng có thêm loại vừa có tay xách vừa có tay kéo rất được phụ huynh ưa chuộng, nhất là đối với các em học sinh tiểu học có lẽ để "giải phóng" chiếc cặp nặng nề trên vai con em mình.

 

Cần nhiều chương trình hỗ trợ...

 

Dù đang vào thời điểm sức mua tăng cao, nguồn hàng phục vụ vẫn luôn luôn dồi dào đáp ứng mọi nhu cầu dù nhỏ nhất. Nhưng nỗi lo mùa tựu trường không phải ở các nhà xuất bản, nhà sản xuất hay nhà phân phối mà vẫn đặt vai những gia đình nghèo có con đang đi học.

 

Một phụ huynh làm bài toán: Tiền quần áo, giày dép, sách vở, tiền trường... bình quân phải chuẩn bị từ 300.000 - 400.000 đồng cho mỗi học sinh. Đây là một số tiền không phải nhỏ đối với những gia đình thu nhập thấp, nhất là ở khu vực nông thôn.

 

Việc giá SGK và 1 số loại dụng cụ học tập năm nay nhỉnh hơn niên học trước càng làm cho gánh nặng tăng lên. Chị Bích Liên - có hai con học lớp 8 và một cháu mới vào lớp 1 - cho biết: Với đồng lương công chức của mình, chị phải dành dụm từ đầu hè mới đủ tiền chuẩn bị năm học mới cho 2 con của mình.

 

Nắm bắt nhu cầu này, 1 số đơn vị đã chủ động đưa ra các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo. Riêng tại Trà Vinh, Cty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học đã phát hành 40.000 phiếu giảm giá từ 12-15% cho các học sinh nghèo, học sinh giỏi trong tỉnh; một số nhà cung cấp đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhân dịp này bằng cách giảm giá từ 5 - 10%; riêng Fahasa Cần Thơ cũng giảm giá 10% cho học sinh giỏi;...

 

Tại Cần Thơ, từ đầu tháng 7, Công ty May Tây Đô đã thực hiện 1 chương trình khá ấn tượng với việc tung ra thị trường 10.000 bộ đồng phục cho học sinh cấp 1-2 tại khu vực Cần Thơ và các siêu thị trong hệ thống Co-opMart với giá rẻ hơn 50% so với mặt bằng chung.

 

Đây có thể xem là những động thái tích cực từ phía các nhà kinh doanh góp phần thiết thực để đưa các em học sinh nghèo đến trường. Mùa tựu trường sẽ không còn là nỗi "ám ảnh" đối với các bậc cha mẹ nghèo nếu ngày càng có nhiều hơn những chương trình dành riêng cho học sinh nghèo - nhất là học sinh vùng nông thôn sâu.  

 

Đầu nguồn khai giảng sớm né lũ

 

Do thời tiết diễn biến bất thường nên niên học 2006-2007, nhiều địa phương đầu nguồn ở ĐBSCL đã chủ động khai giảng sớm nửa tháng so với ngày khai giảng toàn quốc.

 

Tại Kiên Giang, từ ngày 14/8, Trường THPT Sóc Sơn, Hòn Đất, cái "rốn" của vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, gần 200 học sinh thộc 5 lớp cuối cấp đã bước vào năm học mới để phòng khi lũ lên cao vẫn không bị trễ chương trình. Cô Phan Thanh Thủy, hiệu trưởng nhà trưởng cho biết: "Chủ động khai giảng sớm, chúng tôi không sợ nước lũ làm ảnh hưởng đến chương trình học tập của học sinh".

 

Tại Đồng Tháp, Sở GD-ĐT giao toàn quyền cho các trưởng phòng GD và hiệu trưởng các trường trực thuộc xem xét tình hình thực tế để tự quyết định thời gian nhập học, nhưng không được chậm hơn ngày 24/8. Trên tinh thần đó, nhiều địa bàn đầu nguồn đã khai giảng năm học mới ngay từ đầu tháng 8, như Tân hồng, Hồng Ngự...

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp Nguyễn Hoàng Nhi cho biết: "332 phòng học và đường dẫn vào trường bị ảnh hưởng lũ năm trước đã được tôn cao. Do vậy nhiều khả năng không xảy ra tình trạng học sinh phải nghỉ học khi nước lên cao".    

 

Theo Trường Nhân - Tấn Đạt

Lao Động