Quảng Nam:

Nỗi lo bị “hà bá” nuốt xuống sông trong mùa mưa bão

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân ở xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ đến gần nhưng nhà cửa, ruộng vườn đã bị nước sông Thu Bồn “liếm” gần sát… Nguy cơ mất nhà cửa, ruộng vườn hiện hữu nếu không được làm kè để bảo vệ.

Đại Thạnh là một xã trung du của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chiều dài xã nằm dọc theo con sông Thu Bồn; vài năm qua, tình hình sạt lở bờ sông xảy ra rất nghiêm trọng, đe dọa đến hàng chục ngôi nhà của dân ở ven sông này.

Trước đây, bờ sông cách vườn nhà mấy chục mét nhưng nay đã ăn sát nhà, nguy cơ lũ cuốn trôi nhà cửa trong mùa mưa bão đang cận kề
Trước đây, bờ sông cách vườn nhà mấy chục mét nhưng nay đã ăn sát nhà, nguy cơ lũ cuốn trôi nhà cửa trong mùa mưa bão đang cận kề

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Bảy (60 tuổi, trú thôn Hanh Tây, xã Đại Thạnh) không khỏi lo lắng, bất an vì sông đã ăn sâu vào gần nhà. Bà lo lắng khi nhà mình không biết sẽ bị trôi xuống sông khi nào vì hiện tại, vách nhà chỉ cách bờ sông khoảng hơn chục mét.

“Mấy năm nay, dù không có lũ lớn nhưng bờ sông Thu Bồn vẫn cứ sạt lở và ăn vào tận sân nhà. Trước đây, bờ sông cách nhà mấy chục mét nhưng giờ chỉ còn hơn 10m. Cứ đà này thì không lâu nữa nhà tôi và một số nhà xung quanh trôi sông mất. Mong chính quyền có biện pháp cứu giúp chứ dân nghèo chúng tôi không biết làm sao”, bà Bảy lo lắng.

Người dân lo lắng vì tình trạng sông Thu Bồn bị sạt lở mạnh hiện nay
Người dân lo lắng vì tình trạng sông Thu Bồn bị sạt lở mạnh hiện nay

Theo người dân ở một số thôn tỏng xã Đại Thạnh, trước đây để chống sạt lở người dân đã trồng 2-3 lớp hàng tre nhưng không ăn thua. Mỗi năm sông “ăn” vào vài mét và đến nay, chỉ còn 1 hàng tre duy nhất để bảo vệ vườn nhà của người dân nhưng không biết hàng tre này còn chịu được đến bao giờ.

Cái khó nhất của việc sạt lở bờ sông Thu Bồn là sông không “ăn” một đoạn liên tiếp mà “liếm” từng đoạn khoảng vài chục mét và kéo dài 5-6 km khiến cho việc chống sạt lở vô cùng khó khăn.

Theo thống kê của UBND xã Đại Thạnh, tổng diện tích đất sạt lở trên địa bàn xã từ năm 2010-2016 là 4,3ha. Diện tích bị lở bình quân hàng năm là 1ha; trong đó có tổng số 7 hộ ở thôn Tây Lễ và Hanh Tây cần phải di dời khẩn cấp vì vườn nhà chỉ cách bờ sông từ 3-10m. Có 15 hộ khác có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Người dân lo lắng với trình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh – cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn hiện đáng báo động. Cán bộ và người dân trong xã rất lo lắng.

“Nguyên nhân sạt lở là do lũ lụt hàng năm ăn sâu vào đất liền, tới trước sân nhà của dân. Do Đại Thành là một xã miền núi khó khăn, các hộ làm nhà bán kiên cố, quỹ đất bố trí không có, chưa xây dựng nhà tránh lũ tập trung… nên địa phương không thể thực hiện biện pháp di dời dân”, bà Nam cho hay.

Hiện người dân cũng như lãnh đạo xã Đại Thạnh mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đại Lộc nhanh chóng có biện pháp để xây kè sông ở 3 thôn Hanh Đông, Hanh Tây và Tây Lễ với chiều dài khoảng 2.000m nhằm mục đích cứu nhà dân, bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nhất là đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Công Bính