1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp nạn nhân chất độc da cam:

Nỗi đau không được làm người bình thường

(Dân trí) - Đứa con thứ nhất đã 28 tuổi nhưng sống như một "động vật" vô hồn. Đứa con thứ hai đầu to, mắt mờ, da bụng rất mỏng nhìn thấy rõ cả ruột bên trong... Mỗi lần sinh nở, vợ chồng ông Hoạt lại một thêm một lần đau.

Tại Thái Bình đã có hơn 27.000 người ở tỉnh này bị lây nhiễm chất độc da cam, trong đó 400 nạn nhân thuộc thế hệ con đã qua đời, hàng nghìn nạn nhân khác đang quằn quại vì hậu quả của chất độc. Ông Mai Phú Hoạt là một nạn nhân ở Thái Bình được đề cử sang Mỹ để tiếp tục vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ.

 

Ngôi nhà ông nằm sâu trong ngõ nhỏ, mặc dù trời chiều còn ánh nắng nhưng vào trong nhà ông lại chuyển thành một thứ ánh sáng nhờ nhờ, tranh tối tranh sáng. Phải chờ khoảng 10 phút sau ông Hoạt mới từ nhà dưới đi lên tiếp chúng tôi. Ông phân trần: “Tôi đang nhỡ tay vệ sinh cho cháu Duyên, các anh chị thông cảm.”

 

Ông có chuẩn bị gì nếu lần này Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cử ông sang Mỹ tiếp tục vụ kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ?

 

Nói chuẩn bị thì quá to tát bởi những người lính như chúng tôi, chiến trường đã trải, chất độc da cam đã bị đổ trực tiếp lên người không dưới ba lần, nếu có lệnh bất cứ lúc nào có thể đi ngay lúc đó. Tuy nhiên, tôi cũng chưa biết mình đủ tiêu chuẩn để đi hay không vì Tỉnh hội đề nghị nhưng phải qua Trung ương hội xét duyệt. Nếu được đi, tôi sẽ cố gắng tăng cường sức khỏe và học thêm tiếng Anh để có thể trao đổi những câu xã giao trước tòa và các phóng viên quốc tế.

 

Tôi đang cố gắng hệ thống lại những lần mình bị rải hóa chất trực tiếp lên người. Không dưới 3 lần đâu, rất tiếc

 

Nỗi đau không được làm người bình thường - 1
 

Di ảnh bé Diệu.

hồi đó tôi không làm chỉ huy nên không có nhật ký chiến trường, nếu bây giờ tìm lại được những tài liệu đó thì không ai có thể chối cãi được. Lần đầu tiên tôi dính chất độc da cam là ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), khi đó tôi làm đại đội trưởng, Trung đoàn 174, Sư đoàn 361 phải đối mặt với Sư đoàn 4 Không vận Hoa Kỳ và Trung đoàn 12 ngụy. Lần thứ hai là trên chiến trường Đắc Tô - Tân Cảnh và lần thứ 3 ở chiến trường Nam Gia Lai.

 

Nếu được sang Mỹ, ông sẽ nói những gì trước tòa án Hoa Kỳ?

 

Tôi nghĩ, bản thân những con người đang chịu hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam đã nói lên hết trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi. Tôi chỉ là một thực thể còn đủ sức khỏe để có thể sang Mỹ đối chất mà thôi. Với tôi, sang Mỹ theo đuổi vụ kiện không phải là đi vì cá nhân mình mà nói lên tiếng nói chung  cho các nạn nhân. Chúng tôi yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất loại chất độc da cam rải xuống chiến trường Việt Nam phải thực hiện pháp lý quốc tế.

 

Tôi xác định đây là một vụ kiện lớn nên tôi sẽ cố gắng hết khả năng với lập trường và thái độ vững vàng của người lính cụ Hồ, mỗi lời nói của cá nhân đều phải đại diện cho những nạn nhân ở quê hương Việt Nam đang quằn quại trong đau đớn, nỗi đau không được làm người bình thường.

 

Chúng tôi yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường những tổn thất về tinh thần, vật chất và quyền sống làm con người bình thường mà họ đã tước đoạt của chúng tôi. Hiến pháp Hoa Kỳ đề cao con người có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc, chúng tôi muốn các nhà lập pháp Mỹ phải xử vụ kiện này theo tình thần đó.

 

Ông Hoạt năm nay vừa tròn 60 tuổi. Ngày 16/12/1977, ông sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Mai Thị Duyên. Duyên vừa sinh ra đã không bình thường, không có ý thức về bất cứ thứ gì xung quanh. Hiện nay cháu Duyên đã 28 tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn phải phục vụ cháu hoàn toàn. Năm 1981, ông sinh tiếp cháu gái thứ 2 tên là Mai Thị Diệu. Diệu sinh ra bị suy dinh dưỡng độ 3, đầu to, mắt mờ, mông teo, da bụng rất mỏng (nhìn thấy rõ cả ruột bên trong). Bé Diệu ở với vợ chồng ông được 7 năm thì qua đời. Mặc dù đã 7 tuổi nhưng Diệu chỉ cân nặng 7 kg.

Đi qua hàng chục bệnh viện đầu ngành về thần kinh và chất độc, gia cảnh ông Hoạt rơi vào khánh kiệt. Ngôi nhà của ông cũng phải xây 5 lần mới thành hình như ngày hôm nay. Mỗi lần, ông chỉ xây được một đoạn tường.

Một sự tình cờ, chúng tôi đến nhà ông Hoạt vừa lúc một tin vui đến với gia đình ông: Cô con gái út của ông vừa thi đỗ vào trường cấp 3 Lê Quý Đôn. Ông Hoàng Công Ánh, người đồng đội năm xưa nay là Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh nhận xét: đã lâu lắm mới được thấy lại nụ cười trên khuôn mặt người đồng đội một thời vui tính và yêu đời. Tôi ước sao nụ cười đó sẽ đến với tất cả những nạn nhân chất độc da cam khác.

Trần Đức