“Nợ” luật Biểu tình, Bộ Công an trả lời cử tri ra sao?

(Dân trí) - Luật Biểu tình đã lùi nhiều lần, từ Quốc hội khóa trước. Bộ Công an giải thích, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, cần phải được nghiên cứu kỹ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng…

Đây là câu trả lời của Bộ Công an đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, kiến nghị gửi đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 8, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sớm trình Quốc hội ban hành Luật Biểu tình để công dân thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Hop quoc hoi

Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sớm trình Quốc hội ban hành Luật Biểu tình.

Văn bản trả lời của Bộ Công an nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 38 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... để xây dựng dự án luật Biểu tình.

Đến nay, dự thảo luật đã được các bộ, ngành tham gia ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình...

Hơn nữa, theo Bộ Công an, dự án luật biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.

Để thực hiện có hiệu quả luật, cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như: Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Do đó, Bộ Công an đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý báo cáo UB Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo luật để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Cũng liên quan tới vấn đề này, mới đây nhất, trình UB Thường vụ Quốc hội đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020, Chính phủ cho biết, trước mắt, chưa đề xuất đưa dự án luật này vào chương trình.

Đề xuất này cũng không thông tin cụ thể thời hạn nào sẽ trình dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trong khi đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang dần khép lại. Điều gần như chắc chắn, luật Biểu tình sẽ tiếp tục “lỡ hẹn” tại khóa này, sau nhiều lần lùi, hoãn.

Trong khi đó, trả lời báo chí đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, luật Biểu tình sẽ được Quốc hội khoá 14 nghiêm túc xem xét sau khi Chính phủ trình, chứ không lùi vô thời hạn.

Liên quan đề kế hoạch “trả nợ” người dân dự luật này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, không phải là Quốc hội không quan tâm đến luật Biểu tình mà do Chính phủ chưa trình sang. Theo Tổng Thư ký Quốc hội khi đó thì “Chính phủ đang chuẩn bị dự án luật này, khi nào Chính phủ chuẩn bị thấu đáo thì trình ra Quốc hội”.

Phương Thảo