1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Những trẻ nghèo “dọn nhà” cho người âm

(Dân trí) - Trong cuộc sống bộn bề những lo toan thời nay, nhiều người không có thời gian để dọn dẹp phần mộ của người thân trong dịp lễ Tết. Nhờ đó, dịch vụ quét sơn, dọn dẹp “nhà cửa người âm” tại các nghĩa trang ra đời.

Những trẻ nghèo “dọn nhà” cho người âm - 1

Thấp thoáng bóng trẻ quanh những ngôi mộ
 
Một ngày cuối năm, ghé thăm nghĩa trang thành phố Đà Nẵng đặt tại xã Hòa Sơn, Hòa Vang, không khí xuân đã len lỏi vào tận cõi “người âm” ở đây.

 

Trên con đường dẫn vào khu nghĩa địa, rải rác có người đi thăm mộ cuối năm. Năm hết tết đến, người Việt giữ truyền thống thắp nhang, sơn sửa, dọn dẹp lại phần mộ của ông bà tổ tiên để đón xuân.

 

Tuy nhiên, do quá bận rộn, nhiều người đã chọn cách thuê người dọn dẹp. Dịch vụ này đã trở thành nguồn thu nhập tốt cho nhiều người nghèo sống quanh vùng.

 

Nghĩa trang Hòa Sơn ngày cuối năm nhộn nhịp hơn thường lệ bởi có nhiều đứa trẻ đang hý hoáy lau chùi, tẩy rửa, quét sơn ở các ngôi mộ. Đa số chúng là con em người dân lao động nghèo quanh nghĩa trang, tranh thủ những ngày nghỉ tết sớm theo chân các “cai thầu” chuyên nhận tu sửa mộ phần.

 

Dưới ánh nắng xuân, trên các phần mộ thấp thoáng bóng những đứa trẻ miệt mài làm việc. Em Nguyễn Trường Chân, học sinh lớp 7/6 trường THCS Trần Quang Khải, Hòa Sơn, Hòa Vang đang cặm cụi với tấm giấy nhám, kỳ cọ trên mặt bia đá của một ngôi mộ.

 

Chân chia sẻ: “Nhà em nghèo, ba mẹ em đi làm miết, tết đến rồi mà em chưa có thấy ba mẹ mua quà gì cả, chưa có áo mới, chưa dép giày mới trong khi các bạn em đã có cả rồi. Em đi theo mấy bác sơn chùi ở đây, mỗi một ngôi mộ sơn bia được 10-15 ngàn đồng. Nếu mỗi ngày có việc làm liên tục, em có thể làm được chừng 15-20 ngôi mộ. Có tiền về em đưa cho mẹ, chỉ giữ lại chút ít để mấy ngày tết cùng bạn bè đi chúc tết thầy cô thôi”.

 

Để làm được công việc này, đám trẻ phải có tính kiên trì và đặc biệt “không nói tục khi đang sang sửa mộ”.

 

Trong nhóm của Chân có tới 6 cậu bé cùng là học sinh của trường THCS Trần Quang Khải, đa số là học sinh nghèo. “Mấy năm nay, năm nào nghỉ tết em cũng ra nghĩa trang thành phố để quét sơn mộ. Cũng kiếm được chút tiền phụ giúp bố mẹ phần nào. Bọn em quen rồi nên cũng không mệt lắm, chỉ hơi mỏi tay thôi”, em Nguyễn Chiến Công, học sinh lớp 9 chững chạc nói.

 

Một người đàn ông chuyên sơn lại các ngôi mộ với giá 60.000đ/mộ, nói: “Ở đây trẻ con chỉ kỳ bia, còn quét sơn thì người lớn phải làm. Ngày nếu cố gắng cũng chỉ làm được hai đến ba ngôi là cùng. Với chúng tôi 60 ngàn to thiệt đấy, nhưng làm cái nghề này còn cần một cái tâm nữa. Với người âm mình đâu thể xuề xòa cho xong”.

 

Dạo khắp nghĩa trang thành phố, chen giữa những ngôi mộ đã được sửa sang đẹp đẽ vẫn có những ngôi mộ um tùm cỏ dại, bạc màu mưa nắng. Cạnh những khu mộ này luôn thấp thoáng bóng mấy đứa trẻ chờ người tới thuê dọn dẹp mộ.
 
Những trẻ nghèo “dọn nhà” cho người âm - 2
Những đứa trẻ còn mặc đồng phục học sinh dạo quanh nghĩa trang chờ việc.

 

Cái nghèo, cái đói vẫn hiện diện trên mảnh đất này, nhất là khi nơi đây từng gánh chịu đợt lũ vừa qua. Hình ảnh đám trẻ mặc đồng phục học sinh, rạp mình bên những ngôi mộ, khiến người viết nao lòng.

 

Trọng Huy