Những sự kiện quan trọng tại Tuần lễ Cấp cao APEC

(Dân trí) - Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” sẽ được tổ chức tại TP.Đà Nẵng, từ ngày 6-11/11/2017. Trong Tuần lễ này sẽ có nhiều sự kiện quan trọng do Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11/11/2017
Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11/11/2017

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Tuần lễ cấp cao APEC có sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC, 10.000 đại biểu khu vực và quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017, là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Tuần lễ sẽ có 8 sự kiện chính do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và nhiều hoạt động bên lề. Trong đó, sự kiện mở màn là Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) và kéo dài trong 2 ngày 6-7/11. Ngày 7/11 diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.

Ngày 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM). Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC sẽ diễn ra trong 3 ngày 8-9/11, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Ngày 10/11, Đối thoại của các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC; Đối thoại không chính thức với các nhà lãnh đạo ASEAN. Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC, từ ngày 6-10/11.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ chủ trì Lễ đón chính thức lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC và Phu nhân, Phu quân của các nhà lãnh đạo, diễn ra ngày 10/11. Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Ngày 11/11, Phiên họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Cũng trong ngày 11/11, Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền sẽ chủ trì Chương trình Phu nhân/Phu quân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Các Hội nghị của Tuần lễ cấp cao APEC sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Châu Như Quỳnh