Những phụ nữ “ăn sóng nói gió”

(Dân trí) - Ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đi biển được coi là nghề “gia truyền”, nhiều gia đình có tới 3 thế hệ đi biển. Nhiều năm trở lại đây, đi biển không còn là nghề “độc quyền” của đàn ông mà nhiều phụ nữ cũng sẵn sàng vươn khơi…

Bám biển mưu sinh

Xã Hoằng Trường là một trong những xã biển của tỉnh Thanh Hóa. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Ở đây, ngoài những chiếc tàu đánh cá có công suất lớn thì còn có hàng trăm chiếc bè lắp máy để đi đánh bắt cá trên biển.

 Chị Lê Thị Hà (40 tuổi) có gần 20 năm trong nghề đi biển
 Chị Lê Thị Hà (40 tuổi) có gần 20 năm trong nghề đi biển

Thông thường, trên một chiếc bè có hai người đi, một người “lái trưởng” và một người phụ. Người lái trưởng thường là những người đàn ông có kinh nghiệm đánh bắt lâu năm, cũng là lao động chính trong gia đình. Còn người đi phụ có thể là những người bạn nghề, những thanh niên từ 13 - 15 tuổi hoặc là phụ nữ.

Vì công việc phụ cũng không quá khó khăn vất vả, chỉ cần phụ giúp kéo lưới, gỡ cá, nấu cơm nước và làm một số việc lặt vặt theo sự chỉ dẫn của lái trưởng. Với những gia đình có nhiều con trai thì hai bố con, ông cháu, hoặc anh em ruột đi chung một bè, những gia đình không có người đi thì phải thuê bạn đi cùng.

Gần 40 tuổi, nhưng chị Lê Thị Hà, thôn Hải Sơn, xã Hoằng Trường đã có gần hai chục năm kinh nghiệm đi biển. Khắp trong thôn ngoài xã, chị Hà nổi tiếng là người phụ nữ kỳ cựu bám biển mưu sinh. Nhiều người đàn ông cũng phải nể phục sức đi biển của chị.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, là con thứ ba trong gia đình có năm anh chị em, người em trai duy nhất trong gia đình chị lại bị dị tật bẩm sinh không làm lụng được gì nên mấy chị em phải thường xuyên thay nhau phụ cha đi biển. Cả bốn chị em cứ nối tiếp nhau theo những con sóng mà lớn lên. Người chị đi lấy chồng thì người em lại nối tiếp công việc. Cơ duyên đến với “nghiệp ngư phủ" của chị Hà cũng bắt đầu từ đó.

 Chị Lê Thị Hà (40 tuổi) có gần 20 năm trong nghề đi biển
Sau khi đánh cá vào bờ, chị Tình lại tiếp tục công việc gỡ lưới để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi vào ngày hôm sau

Chị kể: “Tôi bắt đầu đi biển từ khi mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi thì lấy chồng rồi sinh con nên phải nghỉ đi biển một thời gian dài và phải thuê người đi cùng chồng. Nhưng sau mỗi chuyến đi, trừ chi phí, chia cho bạn đi 30%, chủ ăn 70%, như thế thì số tiền còn lại cũng không đủ trang trải nên tôi quyết định gửi con cho ông bà rồi cùng chồng đi đánh lưới cho đến nay. Thế mà cũng gần 20 năm rồi đấy”.

Vợ chồng chị Hà đi biển cũng thường gặp may nên các chuyến ra khơi luôn được nhiều cá tôm, không phải “ăn chia” với bạn nghề nên đến nay gia đình cũng có của ăn của để, xây dựng nhà cửa kiên cố và nuôi được 4 người con đang ăn học.

Thành tích của chị Hà cũng chưa nể phục bằng chị gái mình là chị Lê Thị Toàn. Chị Toàn theo cha đi biển nhiều năm, đi lấy chồng rồi lại tiếp tục theo chồng đi biển. Thời gian gần đây, chồng bị đau ốm, không sợ sóng gió hiểm nguy, chị Toàn cầm lái vươn khơi.

Người phụ nữ gần 50 tuổi có nước da đen sạm vì cháy nắng, vừa gỡ lưới thoăn thoắt vừa tâm sự: “Mấy năm trước nhà tôi có chồng và con đi biển, nhưng từ khi thằng con trai lớn lập gia đình rồi ra ở riêng, vợ chồng nó sắm bè riêng đi đánh cá. Vì không muốn mượn người đi nên tôi đã lên bè ra khơi đánh bắt cùng chồng. Giờ không đi biển nữa thấy nhớ và buồn lắm”.

Anh Bình chồng chị Toàn chia sẻ: “Phụ nữ ở đây khi quen “mùi” biển rồi thì đi biển giỏi hơn cả đàn ông. Thường thì phụ nữ giúp việc thả lưới, kéo lưới, lo nấu cơm nước và làm những việc khác trên bè, nhưng khi không có chồng thì các bà cũng có thể cầm lái được. Nhà tôi trông thế chứ đi biển khỏe lắm, bám biển quanh năm, chỉ khi nào biển có bão mới chịu nghỉ”.

Trên những chiếc bè đánh cá luôn có dáng dấp của những người phụ nữ
Trên những chiếc bè đánh cá luôn có dáng dấp của những người phụ nữ

Nhiều gia đình không có tiền sắm bè riêng, hoặc những người phụ nữ không có chồng như chị Trần Thị Bích (32 tuổi) thì phải đi biển thuê cho người khác. Cũng như những người phụ nữ khác ở miền biển, chị Bích đi biển cùng cha từ khi còn nhỏ.

Chị sinh và nuôi con một mình khi vừa bước qua tuổi đôi mươi. Làm thuê những việc trên bờ thì bấp bênh, thu nhập lại ít ỏi không đủ để chi tiêu cho hai mẹ con sống, nên chị quyết định gửi con cho ông bà ngoại để đi biển thuê cho anh em, họ hàng.

“Mỗi ngày đi thuê cũng được khoảng vài trăm nghìn, ngày nào đi được nhiều tôm cá thì được chủ ăn chia nhiều hơn. Tính ra hàng tháng đi biển thuê tôi cũng dành dụm được từ 4 - 5 triệu đồng. Số tiền này đủ cho hai mẹ con trang trải cho cuộc sống hàng ngày và tiền ăn học của con”, chị Bích cho hay.

Chị tính nếu sau này con trai chị không đi học nữa thì hai mẹ con chị sẽ sắm bè mới đi riêng vì nhiều năm đi biển thuê chị đã trở thành “thợ chuyên nghiệp”. Những ngón nghề đi biển của cánh đàn ông chị đều thông thạo hết. Từ việc cầm lái, hay xác định vị trí thả lưới, cả những chỗ được đánh dấu là có đá ngầm chị đều năm rõ như lòng bàn tay.

Những người phụ nữ đi biển có thể làm được mọi việc giống như đàn ông
Những người phụ nữ đi biển có thể làm được mọi việc giống như đàn ông

“Nếu sắm bè mới tôi sẽ cầm lái, còn con tôi sẽ phụ việc rồi dần dần tôi sẽ dạy con mọi công việc trên biển để khi trưởng thành con có thể đi biển giỏi như những người đàn ông khác. Đó mới chỉ là dự định cho tương lại thôi”, chị Bích nói.

Gian nan “nghiệp nữ ngư phủ”

Mỗi chuyến ra khơi bằng bè của ngư dân nơi đây thường bắt đầu từ lúc 2h sáng. Nhưng người phụ nữ thì phải dậy trước đó để chuẩn bị đồ đạc, ngư lưới cụ và các dụng cụ cần thiết cho một chuyến ra khơi, trưa ngày hôm sau bè mới vào đất liền. Rồi khi trở về nhà họ lại tất bật với công việc của một người vợ người mẹ như những người phụ nữ khác.

Chị Nguyễn Thị Bình (30 tuổi), thôn Thành Xuân kể về kỉ niệm ngày đầu đi biển: “Khi mới đi thì chị em nào cũng say sóng. Thời gian đầu là khó khăn nhất, ai không bám trụ được thì chỉ đi được lần đầu rồi bỏ nghề đến già. Chỉ cần một con sóng nhỏ cũng đủ làm cho người vật vã, nôn nao như chết đi sống lại. Cả ngày trời chỉ nằm gục một chỗ không làm được gì, mãi khi vào đất liền vẫn còn say”.

 Phút nghỉ ngơi thư giãn sau ngày dài lao động vất vả
 Phút nghỉ ngơi thư giãn sau ngày dài lao động vất vả

“Sau khi say dậy, đến sáng hôm sau tôi dậy lại tiếp tục lên bè đi tiếp vì nghĩ rằng, nếu không kiên nhẫn thì cả đời vẫn còn sợ say sóng, mà mình không đi được lại phải thuê người, vừa mất chi phí lại không thể đảm đương công việc được như mình. Thế là tôi bám trụ liền một tuần thì hết say hẳn. Giờ quen mùi biển rồi không còn khổ sở như trước nữa, nhưng mỗi khi sóng to gió lớn, biển động làm bè chao đảo nhiều thì người cũng mệt mỏi không làm được việc gì”, chị Bình kể tiếp.

Say sóng chỉ là một chuyện, cái khó nhất của những “nữ ngư phủ” là đến ngày ở “cữ” của đàn bà. “Vừa mệt mỏi lại vừa khó chịu. Trên thuyền bè lại không được thoải mái như ở nhà mình. Nước mặn ngấm vào người là nghe lạnh dọc sống lưng. Nhưng đi lâu dần rồi cũng quen, mình cũng phải tự biết lo liệu cả, được cái đi cùng chồng nên cũng thoải mái hơn”, chị Bình nói.

Đàn bà đi biển vất vả, khó khăn là vậy nhưng không một ai có ý định “bỏ nghề”. Một phần vì đi biển cùng chồng thì có thêm thu nhập, phần khác vợ chồng được ở bên nhau, cùng nhau làm ăn, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn, lam lũ nơi đầu sóng ngọn gió.

Những người phụ nữ đi biển thường có làn da đen sạm, bàn tay sần sùi vì lao động vất vả, thân hình cũng rắn chắc chẳng khác gì đàn ông. Người dân vùng biển gọi những người phụ nữ này với cái tên trìu mến là những người đàn bà “ăn sóng nói gió”. Dù ngày nắng hay mưa, các chị vẫn đầu trần chân đất vươn khơi. Với họ, việc lo lắng liệu ngày mai có còn đủ sức khỏe để theo chồng con bám biển hay không quan trọng hơn nhiều so với việc chăm chút sắc đẹp cho bản thân mình.

Một ngày hơn 10 tiếng lao động vất vả nhưng chị Mai vẫn nở nụ cười tươi trên môi
Một ngày hơn 10 tiếng lao động vất vả nhưng chị Mai vẫn nở nụ cười tươi trên môi

Trên vùng biển xã Hoằng Trường có đến hàng chục chị em phụ nữ đi biển chuyên nghiệp. Đó là còn chưa kể những người phụ nữ đi biển “bán chuyên”. Những chị em này chỉ đi biển khi chẳng may ngày nào đó không mượn được bạn nghề đi cùng chồng…

Trưa đến, những chuyến bè cập vào bờ, mỗi gia đình chia nhau thành từng khóm nhỏ gỡ lưới để chuẩn bị cho ngày ra khơi tiếp theo. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả cả một vùng làm cho ai nấy quên đi những nhọc nhằn sau một ngày dài lao động vất vả. Không một lời than vãn, cũng không thấy ai kêu mệt mỏi, bỏ nghề. Chỉ có những cánh tay thoăn thoắt gỡ lưới và những nụ cười giãn nở trên khuôn mặt cháy sạm vì nắng. Chắc chắn rằng ngày mai, ngày sau, và những năm sau đó nữa họ vẫn cùng chồng đi biển nếu còn sức khỏe vì cái nghiệp biển đã ăn sâu vào máu thịt họ.

Thái Bá