Những người phụ nữ chưa từng biết đến ngày 20/10

(Dân trí) - Vào ngày phụ nữ được tôn vinh thì vẫn có những con người chỉ mong có một ngày được bình yên chứ chưa nói đến những món quà là thứ quá xa xỉ.

Một người đàn ông xông vào đánh vợ túi bụi trong sự vô cảm, thờ ơ của những người đi đường. Người đàn ông nồng nặc mùi rượu, chệnh choạng dạy vợ bằng nắm đấm và cả những cú đá ngay trên đường phố.


Đỉnh điểm của sự việc, người đàn ông này còn dùng cả dép để trút nỗi bực dọc không thương tiếc vào người vợ. Nhưng đáp lại chỉ là những giọt nước mắt im lặng, cam chịu đến khổ sở của người vợ.

Đáng buồn đây lại không phải là trường hợp hiếm hoi về người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình.

Dư luận cả nước từng xôn xao bất bình với trường hợp của một người phụ nữ ở quận Thanh Xuân - Hà Nội khi bị chính người chồng của mình tra tấn như thời trung cổ vì ghen tuông.

Để hành hạ vợ, người chồng đã dùng xích sắt to buộc vào cổ vợ, treo lên trần nhà rồi dùng búa đinh và chai thủy tinh sắc cạnh đập liên tiếp vào mắt cá chân.

Những vết đau trên thân thể rồi cũng sẽ lành nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần, sự sợ hãi khi bị bạo hành thì chắc chắn vẫn sẽ là nỗi đau không bao giờ lành đối với người phụ nữ này...

Búa, dao, kéo, bếp than, sợi xích, điếu cày... vốn là vật dụng bình thường bỗng trở thành “hung khí” của những trận đòn roi trong gia đình. Và tại Hà Nội có hẳn một bào tàng còn lưu lại tất cả những vật chứng trong những trận bạo hành này như một tiếng chuông xé lòng về nạn bạo lực gia đình.

Ngày 20/10 – ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam thế nhưng đối với những người phụ nữ này việc được nhận những món quà, lời chúc của chồng trong những ngày này là một ước mơ xa xỉ mà họ chưa bao giờ nghĩ đến.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam thì cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn có ít nhất một phụ nữ bị bạo hành về gia đình, mỗi người có một kiểu bị bạo hành khác nhau nhưng nỗi đau về tinh thần, sự tuyệt vọng bi quan về cuộc sống thì dường như lại giống nhau...

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình một phần là do sự cam chịu và im lặng của chính những người phụ nữ. Nhiều khi vì muốn giữ sự yên ấm cho đình của mình, muốn bảo vệ con khỏi sự dị nghị của dư luận mà họ chấp nhận nhẫn nhịn và coi việc bị bạo hành như một phần của cuộc sống.

Thế nhưng, sự cam chịu ấy, vô hình chung đã “đồng lõa” và “tiếp tay” cho những gã chồng độc ác và làm cho vấn nạn bạo lực gia đình ngày càng tăng cao, trở thành nỗi nhức nhối cho toàn xã hội.

Xuân Ngọc - Hà Trang