Những người ngồi "ôm" lò lửa trong cái nóng hơn 40 độ C

(Dân trí) - Trong cái nóng kỷ lục có lúc lên tới hơn 40 độ C, làng rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn không ngừng đỏ lửa.

Làng rèn vẫn miệt mài làm việc trong chảo lửa hơn 40 độc C.

Cái nóng như thiêu đốt của thời tiết cộng hưởng với nhiệt độ hừng hực tỏa ra từ lò rèn, bếp nung và những thanh sắt nóng, khiến những cửa hàng rèn giống như “lò bát quái”, thế nhưng những người thợ nơi đây vẫn miệt mài công việc mưu sinh như thể cái tiết trời khắc nghiệt kia không hề ảnh hưởng đến họ.

Như ngày thường, khắp từ làng trên xóm dưới, từ các ngõ ngách đều rầm rộ tiếng đe búa của người thợ rèn xã Tiến Lộc.

Ông Sinh miệt mài với công việc thường ngày trong cái nắng hơn 40 độ C.
Ông Sinh miệt mài với công việc thường ngày trong cái nắng hơn 40 độ C.

Người thợ rèn Hoàng Văn Sinh (60 tuổi, thôn Bùi, xã Tiến Lộc) trong căn nhà lợp mái tôn không quá 10m2 dù mồ hôi nhễ nhại rơi từng giọt xuống sàn nhà, nhưng đôi bàn tay ông vẫn thoăn thoắt với những động tác rèn dao.

Không thể tưởng tượng được cái nóng kinh khủng thế nào khi bước vào bên trong lò rèn của ông Sinh, chỉ cảm giác như đó là một chảo lửa kinh hoàng. Thế mà ông Sinh mà rất nhiều người thợ rèn ở Tiến Lộc không rời lò rèn một ngày nào.

Ông Sinh kể, lên 7 tuổi ông đã theo bố mẹ làm nghề rèn. Hơn 50 năm qua, cuộc sống của ông gắn liền với nghề rèn.

Cái nóng thời tiết cộng với cái nóng ở lò rèn khiến cho cửa hàng rèn như lò bát quái.
Cái nóng thời tiết cộng với cái nóng ở lò rèn khiến cho cửa hàng rèn như lò bát quái.

“Cái nghề này kỵ nhất là thời tiết nắng nóng, bởi trong môi trường làm việc của nghề rèn bình thường nhiệt độ nung đốt lò đã rất cao và phải cầm búa gõ đập liên tục, lại thêm thời tiết nắng nóng thì khổ cực vô cùng. Dù vậy, rèn là nghề chính để mưu sinh nên có nóng mấy cũng phải cố gắng làm” – ông Sinh tâm sự.

Tiếp cận lò rèn của ông Hoàng Ngọc Khánh (44 tuổi, cũng ở thôn Bùi), dù bụi than, vảy thép bắn ra tung tóe nhưng ông Khánh vẫn không cần khẩu trang, ông cho rằng mình đã quá quen với khói, vảy thép rồi và cũng quá quen với cái nóng này rồi.

Công việc của ông Khánh bắt đầu từ lúc 4h sáng và kết thúc vào lúc 19h mỗi ngày.

“Đợt nào nhiều đơn hàng thì làm tới tận 21h. Mấy hôm nay nắng nóng quá, dù cũng đã quen với cái nóng nhưng đợt nắng này cũng thấy sợ” - ông Khánh cho biết.

Để mưu sinh, người thợ rèn quên hết cả những nắng nóng, mỏi mệt.
Để mưu sinh, người thợ rèn quên hết cả những nắng nóng, mỏi mệt.

Ông Phạm Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: “Nghề rèn đem lại thu nhập chính cho người dân trong xã. Thu nhập bình quân của người làm nghề rèn là từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày. Từ xưa, Tiến Lộc đã nổi tiếng với nghề rèn gắn với tên các làng: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Do tính cần mẫn, khéo léo của thợ rèn nơi đây nên các sản phẩm của nghề rèn ở xã đã được người dân nhiều nơi ưa chuộng”.

Theo ông Khoa, hiện hầu hết các sản phẩm rèn như dao, liềm, cuốc… đều được xuất bán ở các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt còn xuất sang thị trường các nước Lào, Thái Lan và Campuchia.

Ông Khoa cũng cho biết, những ngày qua, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến người làm nghề rèn càng thêm vất vả. Để đảm bảo sức khỏe, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên nghỉ ngơi vào những giờ nắng nóng nhất. Có thể làm sớm hơn hoặc muộn hơn để tránh nóng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tham công tiếc việc nên vẫn lao động như ngày thường.

Được biết, nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc có từ bao đời nay. Cho đến nay, trong cơ cấu ngành nghề thì nghề rèn đã chiếm 87%. Toàn xã có hơn 9.000 nhân khẩu thì có hơn 2.100 người làm nghề rèn, chưa kể những người làm các nghề kinh doanh liên quan đến nghề rèn.

Nguyễn Thùy