Những người “ăn xin” cao cả

Một cô bé bán khoai, một chị bán cơm hộp, cùng cậu học trò thường ngày “buôn thúng bán bưng” ở bệnh viện đã không vô cảm khi thấy một sản phụ gần như bị bỏ rơi, nằm mê man bất tỉnh với vết thương sâu vào tận xương, dòi bọ lúc nhúc.

Bức ảnh do một người dân chụp cảnh nhóm người xin tiền giúp sản phụ Hà Thị Ngân.

Bức ảnh do một người dân chụp cảnh nhóm người xin tiền giúp sản phụ Hà Thị Ngân.

 

Thế rồi, một ngày nọ Hải Phòng nóng như đổ lửa, họ tạm gác công việc hằng ngày để “đi xin”, chỉ trong vài tiếng, họ đã xin được hơn 10 triệu đồng giúp sản phụ.

 

Con số tiếp tục lên tới hàng chục lần khi cảnh đời bất hạnh của người sản phụ ấy được đưa lên diễn đàn mạng, để rồi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

 

Vác rổ xin tiền cứu người

 

Ngày 9.6, trên facebook cá nhân của tôi hiện “lời hiệu triệu” của một người bạn: “Hãy cứu giúp chị Hà Thị Ngân bị bệnh viêm não trong khi đang mang thai 8 tháng”. Lời lẽ thống thiết miêu tả chị này đang nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp (Hải Phòng) thiếu sự chăm sóc của gia đình, bị bỏ bê dẫn tới những vết thương hoại tử. Trong khi người nhà dường như coi sản phụ như đã chết, thì có những người không hề quen biết dang tay giúp đỡ. Nhìn bức ảnh chụp 5 người tay giơ cao tấm biển, mang theo chiếc rổ, khóc nức nở mong mọi người thể hiện lòng từ tâm, tôi tự nhủ: Mình phải gặp những người này.

 

Người nằm trên giường bệnh là Hà Thị Ngân- sinh năm 1986, ở phố Thiên Lôi, quận Lê Chân (Hải Phòng). Chuyện đời của cô là chuỗi dài bất hạnh. Ngân người dân tộc Tày, ở vùng núi tỉnh Tuyên Quang. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, 13 tuổi Ngân xuống Hà Nội, rồi Hải Phòng rửa bát thuê cho các hàng ăn kiếm sống. Ở thành phố cảng, số phận run rủi cô yêu rồi về sống như vợ chồng với một thanh niên có tên Khoa ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng. Không một lần được mặc áo cô dâu, may mắn lắm cách nay 3 tháng cô được đăng ký kết hôn với người đàn ông này khi cái thai trong bụng đã được 5 tháng. Nhưng rồi tai họa ập xuống, bỗng dưng cô bị co giật liên hồi, các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm não. Sau vài lần đưa cô đi điều trị tại bệnh viện, chồng và gia đình dường như... quên luôn.

 

Nửa tháng trước, khi Ngân được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Sản Trung ương thì sức khỏe của cô cùng đứa con trong bụng đã yếu lắm rồi. Vì quá mệt mỏi hay thiếu tình yêu thương vợ con, chồng lên chăm vợ dường như chăm cho có vì. Bằng chứng là sau 15 ngày nằm viện, Ngân chẳng được vệ sinh sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện, sản phụ đã bị viêm nhiễm vùng hông. Vết thương ngày một lan rộng và tới ngày 7.6, khi các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu, vệ sinh thì vết thương đã lan rộng to như cái bát, hoại tử sâu, nhìn thấy cả xương cùng xương cụt, dòi bọ lúc nhúc xung quanh vết thương.

 

Có lẽ sản phụ Hà Thị Ngân cùng đứa con trong bụng sẽ vẫn nằm đó, chết dần chết mòn với vết thương lở loét, ăn dần vào da thịt nếu không có một phép màu. Phép màu đó không đến từ cô tiên, ông bụt, mà đến từ một chị bán cơm hộp, cô gái bán khoai ở Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng), một bác bệnh nhân nằm điều trị cùng khoa và một em học sinh lớp 10.

 

Trong những ngày xách cơm hộp, mang khoai lang, bánh mì đi bán dạo ở Bệnh viện Việt-Tiệp, chị Nguyễn Thị Hương cùng em trai là Nguyễn Quang Hào (học sinh lớp 10C6 Trường THPT Đồng Hòa) và chị Vũ Thị Hường- đều ở khu đường tàu quận Lê Chân- thấy cảnh tượng thương tâm: Sản phụ Hà Thị Ngân nằm bất động trên giường bệnh với vết thương lở loét mà thỉnh thoảng mới thấy người nhà đến chăm sóc. Trong một lần hiếm hoi, chị Hương gặp bà mẹ chồng sản phụ, hỏi sao lại để con dâu nằm đáng thương như vậy, bà mẹ chồng lạnh lùng: “Nhà nghèo, hết tiền”.

 

Như một định mệnh, ngày 6.6 chị Hương, chị Hường và em Hào cùng gặp một bệnh nhân chuẩn bị xuất viện là bác Xuân ở phòng 304 khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt-Tiệp, chuyện của 4 người xoay quanh hoàn cảnh thương tâm của Hà Thị Ngân. Chị Hương kể: “Một quyết định “đi xin” được cả 4 người chúng tôi đưa ra một cách chóng vánh. Thằng Hào chạy về lấy tấm bìa cáctông viết dòng chữ: “Làm ơn!!! Mọi người hãy giúp một cô gái ở phòng 308 khu C, Bệnh viện Việt-Tiệp. Cô gái ấy đã bị bại não nhưng trong bụng là đứa bé 8 tháng tuổi. Không có tiền để phẫu thuật cứu đứa bé. Nếu không phẫu thuật nhanh thì cả hai người sẽ chết”. Hương lấy cái rổ thường ngày bán khoai làm rổ đựng tiền, và chúng tôi đi xin”.

 

Nhiều người đến thăm, giúp đỡ sản phụ Ngân sau hiệu ứng của mạng Internet.
Nhiều người đến thăm, giúp đỡ sản phụ Ngân sau hiệu ứng của mạng Internet.

 

Một bức ảnh người dân chụp được rồi đưa lên Facebook, trong ảnh có cô gái xinh xắn, nước mắt thấm ướt cả ngực áo - cô gái ấy tên Hường - người ta thường gọi là Hường khoai vì cô ấy bán khoai.  “Chắc em mất nhiều nước mắt lắm nhỉ?” - tôi hỏi. “Em cũng chẳng biết vì sao mà lúc đó em lại khóc... như trẻ bị đòn đến thế. Khóc nức nở, khóc đến mức 2 ngày sau mắt vẫn còn sưng vù anh ạ. Em cũng chẳng biết người ta chụp ảnh mình rồi đưa lên mạng lúc nào nữa. Thật buồn cười nhưng vui lắm, vui nhất là khi đọc những dòng trên Facebook: “Cảm ơn em, vậy là chị Ngân được cứu rồi”.

 

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 2h chiều đến 11h ngày 6.6, họ đã xin được 10,5 triệu đồng giúp sản phụ Hà Thị Ngân. Không chỉ có vậy, một bức ảnh đắt giá đã được một người dân vô danh nào đó chụp rồi đưa lên mạng Internet, để rồi hàng trăm người xúc động kéo đến giúp sản phụ này, viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Khi bạn đọc bài này, các chị Hường, Hương đã quay lại công việc thường ngày: Bán cơm, bán khoai ở cổng Bệnh viện Việt-Tiệp, em Hào cắp sách đến trường, còn bác Xuân nằm nhà dưỡng bệnh. Tuy vậy, trong mắt nhiều người, họ đã là những ông bụt, cô tiên giữa đời thường.

 

“Cơn sốt nhân đạo” tái hiện ở đất cảng

 

Hai bạn tôi- một gã đeo quân hàm đại úy, công tác tại một tờ báo trong ngành công an Hải Phòng, gã kia là bác sĩ chuyên khoa Mắt của Trường Đại học Y Hải Phòng. Cả hai đều có một “sở thích” là, hễ rảnh rỗi là đi làm từ thiện, nên cùng một số người lập một nhóm từ thiện tự phát mang cái tên lạ hoắc: “Mặc ấm Hải Phòng”. Tấm ảnh chụp nhóm người mang rổ xin tiền để giúp sản phụ Ngân, một ngày sau đã đến với gã bác sĩ. Một cú điện thoại và 2 gã lập tức lên đường tới khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp.

 

Với những gì tận mắt chứng kiến, lời “hiệu triệu” với những lời lẽ thống thiết được 2 gã tung lên mạng Internet. Lập tức, thông tin lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hàng ngàn bình luận đẫm nước mắt cùng những câu khẳng định sẽ đồng hành, giúp đỡ sản phụ Ngân được đưa ra. Và họ đã làm như đã hứa.

 

Chỉ trong vòng 3 ngày - từ 7 đến 10.6 - hàng trăm người nườm nượp đổ về khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt-Tiệp thăm Ngân. Những đồng tiền 100, 200, 500 nghìn; có đồng tiền đặt trang trọng trong phong bì, có đồng tiền nhàu nhĩ được rút ra từ túi bà bán thịt, em sinh viên, anh công nhân... gom góp giúp Ngân. Số người đến quá đông khiến Bệnh viện Việt-Tiệp phải cử ra một ban để tiếp nhận ủng hộ, tiếp nhận số tiền này để điều trị cho Ngân và đứa con trong bụng cô.

 

Đến nay đã có gần 120 triệu đồng được gửi đến sản phụ Ngân. Nằm bất động trên giường bệnh, Hà Thị Ngân không biết tới vết thương ăn sâu vào tận xương tủy, cũng không biết tới những tấm lòng nhân ái đang cố giúp cô duy trì sự sống. Cô cũng không biết tới những chuyện buồn về gia đình, về những việc mà họ đã đối xử với mình, với những người hảo tâm đã giúp mình. Có lẽ sau khi tỉnh dậy, cô nên quên hết những bạc bẽo, thờ ơ, mà chỉ nên để đọng lại hơi ấm của “tình người dưng”...

 

Cháu bé sinh ra trong hạnh phúc vô bờ

 

Ngày 10.6, gia đình sản phụ Hà Thị Ngân đã quyết định xin chuyển viện cho bệnh nhân từ Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng) lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Có 5 người thay mặt các nhóm tình nguyện theo xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để chăm sóc cho Ngân. 20h ngày 11.6, Ngân được đưa lên bàn mổ lấy thai nhi.

 

Trao đổi với chúng tôi trước khi tiến hành ca mổ, bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình trạng của mẹ con sản phụ tiên lượng rất xấu, bệnh viện chỉ hy vọng khả năng sống sót của cháu bé là 50%, còn Ngân thì không hy vọng gì. Tuy vậy, sau gần 1 giờ, con của Ngân đã chào đời, nặng 2kg, được chuyển sang nuôi trong lồng kính. Riêng Ngân thì đang hôn mê, nhưng vẫn còn nhiều hy vọng sống.

 

Theo Việt Hoà
 Lao Động