Những mảnh đời hè phố...

Ở Sài Gòn, có những người ngày này sang ngày khác, tháng này sang năm khác cứ thường trực khẩu trang, găng tay, áo khoác để chường mặt ra đường (trừ giờ ngủ đêm) bất chấp mọi loại thời tiết. Đó là những mảnh đời, có nhiều cơn nức nở, những nụ cười bộc tuệch, những hy vọng mong manh…

Câu chuyện thứ nhất: “Một tháng, mình chỉ dám bỏ tiền mua… bông băng cho những ngày thấy tháng(!)”

 

“Nếu mình biết nhiều chữ, nhất định mình đã viết truyện về đời mình. Cả chục năm dang nắng ở Xa lộ Hà Nội này, có những chuyện không ai tưởng tượng được đâu…”. Sau một hồi uống chung ly trà- đá- và bụi, chia nhau khúc bánh mì heo quay lạo xạo cát, chị gạt nước mắt buông với tôi cái câu vừa chắc lại vừa buồn.

 

Chị tên là Đào - Nguyễn Thị Xuân Đào, bán nước giải khát, khẩu trang, găng tay, thuốc lá, kẹo bọc ngay ngã ba Cát Lái, nơi xe tải, xe lu, xe cẩu vẫn nện bánh, ghì xích rình rịch, rầm rập đến rung chuyển cả mặt đường hầu như 24/24 giờ trong ngày. Đào quê miệt Bốn Ngàn, Cần Thơ, 28 tuổi đời nhưng đã có hơn 10 năm “tuổi đường”, một mình nuôi con nhỏ 4 tuổi. Ngày trước, nhà Đào ở ngay ngã ba Cát Lái.

 

Cô cũng sắm sanh nón bảo hiểm… loại dỏm, đong lấy vài lít xăng, treo lủng lẳng vài bịch bông, găng rồi ngồi bịt mặt, phơi nắng bán độ nhật cho khách đi đường. Đến chừng nhà nước giải tỏa mở đường, căn nhà bị nuốt trọn. Không còn tấc đất, Đào bồng con thuê nhà ở ngã tư MK cách đó vài trăm mét.

 

Học mới hết lớp 4, nách đeo con nhỏ, chồng bỏ theo vợ bé để lại cho cô dăm món nợ nần, đủ để Đào từ chỗ có 2 chiếc xe Dream, chút ít vòng vàng trở thành người đàn bà trắng tay theo đúng nghĩa đen của nó. Đào không còn cách nào khác là xách giỏ quay lại bãi đất đã giải tỏa mà trước đây nó vốn là nhà mình để tiếp tục phơi nắng, hít bụi, đội mưa buôn bán qua ngày.

 

Bãi đất giờ đã được đẩy ra giữa đường. Bên trái, bên phải, trước mặt, đằng sau Đào là đường, là xe. Cô ngồi chon von ở đó, giữa mớ hàng họ bụi bặm, cáu bẩn của mình. Vẫn giữ nguyên 3 lớp bịt mặt, giọng Đào nghe xa xôi: “Hồi đó, mình quyết lên đây vì ở thành phố thì được đi dép (!). Nhà mình trồng mía, mần ruộng, quanh năm, lúc nào cũng chân không dầm nước… Lúc mới lên, mình đi làm công nhân bên khu chế xuất Linh Trung. Tăng ca liên tục mà lương chưa đầy triệu bạc, làm 6 tháng chủ tăng lương cho được đúng 34 ngàn, không đủ nuôi con…”.

 

Bây giờ, mỗi sáng, Đào dậy từ 4 giờ, một thân đẩy xe, cắp ghế từng chuyến, từng chuyến một từ nhà trọ ra chỗ bán rồi ngồi chịu trận nắng gió cho tới 8-9 giờ đêm. Một tháng, cô mất 300 ngàn tiền thuê người trông con và bằng ấy tiền thuê nhà. Thu nhập chỉ vừa đủ cho những nhu cầu tối thiểu. “Em hỏi chị có sắm sanh gì cho riêng mình không á? Một tháng, mình chỉ dám bỏ tiền mua… bông băng cho những ngày thấy tháng(!). Giả như không có cái “khoản ấy”, chắc mình cũng chẳng cần gì. Phải để tiền nuôi con”.

 

Câu chuyện thứ hai: “Cháu đeo theo xe buýt để đi bán. Để dành tiền, hết hè lại về quê học, không ở đây lâu đâu!” 

 

Nép dưới chân cầu Sài Gòn, vòng vô đường Trần Não một tẹo, người ta vẫn thường trông thấy bên vệ đường, cạnh một thùng xốp nhỏ bày biện chục tờ vé số là một cái võng cũ mèm mắc vội. Trên võng, luôn có một bé gái độ chừng 4 tuổi ngồi đu đưa. Sát bên em là một bà cụ già. Hai bà cháu ngồi đó, hiền lành, nhẫn nại như hai hột cơm: một non nớt trắng trẻo, một héo hắt: không mời mọc, không chèo kéo ai.

 

Bà cụ tên Nguyễn Thị Phước, 67 tuổi, quê Thanh Hóa. Bé gái xinh xắn tên Quách Thị Quỳnh. Bà Phước xa quê vào đây đã 4 năm. Thân già nơi phố thị, Bà Phước giờ phải nuôi 2 đứa cháu mồ côi: bé Quỳnh là một, thằng Tuyên anh họ của nó là hai.

 

Tuyên năm nay học lớp sáu, người bé choắt, đen nhẻm và sắc lẻm như một mẩu than chì. Mười hai tuổi, cha mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, bà bám tàu vào Nam, Tuyên một mình ở quê đi học. Tiền bà Phước gửi về tháng đực tháng cái, lúc được trăm nghìn, lúc chỉ hai ba chục nghìn. Vậy mà thằng bé vẫn sống được, vẫn học được. Và theo lời của bà Phước, năm nào nó cũng được học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, suýt được đi thi học sinh giỏi cấp huyện.

 

Hè, Tuyên nhảy tàu vào Sài Gòn đi bán với bà. Dạo này buôn bán ế ẩm, 3 bà cháu lại xoay sang đi bán dạo dài đường. Bà Phước dắt con Quỳnh đi dọc Trần Não, Lương Định Của, len vào mấy khu dân cư. Giọng thằng Tuyên lanh chanh: “Bà chỉ đi được thế thôi. Còn cháu đi bán ở xa lộ Hà Nội, Suối Tiên, Biên Hòa”. Tôi trợn tròn mắt, ngắm lại “mẩu than chì”. Nó cười toe: “Cháu đeo theo xe buýt để đi bán. Để dành tiền, hết hè lại về quê học, không ở đây lâu đâu!”.

 

Bà Phước vừa ngồi nắn bóp đôi chân già, vừa kể: “ Mấy hôm cháu nó bị bọn xấu lừa đổi vé cũ, có hôm lại đánh rơi tiền. May mà xin đi nhờ về được đến nhà! Tôi nghèo, cũng toàn lấy chịu vé, bán được đồng lời thì trả. Làm mất thì mấy bà cháu nhịn ăn”. Thằng Tuyên thôi không cười nữa. Tôi chở mấy bà cháu về nhà trọ mà không dám nhìn sâu vào mắt em.

 

Câu chuyện thứ ba: “Mỗi lần thằng nhỏ hớt hải chạy tới báo có công an, tôi đẩy xe đi mà lòng muốn khóc…”

 

Trước siêu thị Co.opMart Xa Lộ Hà Nội, ngay ngã tư Thủ Đức có một xe nước ngọt đầy vẻ bụi bặm. Chiếc xe không có dù. Nắng xa lộ rát da rát thịt. Chủ quầy nước di động này là chị Phạm Thị Hoa, nhà ở phường Hiệp Phú, quận 9. Không có vốn mở quán, chị Hoa bám xa lộ buôn bán ngót chục năm ròng. Vợ chồng chị ly thân được 2 năm. Chị Hoa một mình nuôi thằng con trai ăn học.

 

Thằng nhỏ học trường Trần Quốc Toản của quận 9. Chị cười buồn: “Bán ở đây khổ lắm, đứng đâu là chết dí một chỗ, tới bữa không nhờ được người trông hàng phụ thì phải nhịn ăn, mót tiểu cũng phải… nhịn”. Mấy tháng hè, thằng Đại Quý con chị theo mẹ ra xa lộ. Nó tự nhận nhiệm vụ “cảnh giới” cho mẹ và lúc nào cũng mặc cái áo khoác màu xanh đọt chuối cho mẹ nó dễ nhìn ra từ xa.

 

Đang ngồi uống dở ly nước, chị Hoa bỗng lật đật đẩy xe đi. Tôi hiểu ý nhìn quanh. Đàng xa, cái bóng áo màu đọt chuối đang hớt hải chạy tới. Nó nhanh nhẹn và rất “chuyên nghiệp” túm mấy chiếc ghế nhựa quăng bừa ra tứ phía để xóa “hiện trường”. Chị Hoa nói như thanh minh với tôi: “Mỗi lần thằng nhỏ chạy ra, tôi đẩy xe đi mà lòng muốn khóc. Đâu ai muốn sống bằng cái nghề vất vơ, tạm bợ này mãi đâu em! Nhưng chờ nuôi thằng Quý học tới hết đại học, chị mới nghỉ...”.

 

*

Khi ngồi gõ những dòng chữ này, cũng như sau khi đã nắn nót chụp từng khuôn hình những gương mặt vất vả nắng mưa, tôi vẫn băn khoăn không biết nên “định vị”sao cho những nhân vật của mình. Báo chí thì phải khách quan, chân thực. Dù họ là người không nhà cửa cố định, không công ty, xí nghiệp rõ ràng, và dĩ nhiên không có số điện thoại di động, nhưng cuộc đời họ là một câu chuyện có thật - rất thật - hơn cả những gì tôi đã viết ra…

 

Theo Đoàn Mai Hương

Sài Gòn Giải Phóng