Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6:

Những kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ có thể gây hậu quả đau lòng

(Dân trí) - “Sự phát triển nhanh của xã hội tạo nhiều áp lực, cạnh tranh và mục tiêu phấn đấu trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ em. Trong gia đình, bố mẹ cũng đặt ra những yêu cầu lớn với con trẻ. Đôi khi điều này khiến các em khó vượt qua, gây ra những hậu quả đáng tiếc”.

Những kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ có thể gây hậu quả đau lòng
Hãy biến những ước mơ của trẻ thành hiện thực chứ không chỉ dừng lại là mơ ước (Ảnh: Đỗ Chiến Thắng)

Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH), đơn vị vận hành đường dây nóng hỗ trợ trẻ em (18001567) trao đổi với PV Dân trí về những nguy cơ áp lực đối với trẻ em sau 10 năm theo dõi các thông tin từ đường dây nóng này.

Thưa ông, so với 7-8 năm trước đây, thông tin từ những cuộc gọi của trẻ em tới đường dây nóng có điểm gì mới?

Sự thay đổi này khá rõ nét. Tỉ lệ các cuộc gọi của trẻ em về vấn đề sức khỏe sinh sản của tuổi vị thành niên, đặc biệt là trẻ em từ 14-15 tuổi gia tăng nhiều. Bên cạnh đó, các mối quan tâm của trẻ em đi sâu vào những ứng xử giữa thầy trò, cha mẹ với con cái.

Những trăn trở của trẻ em về nguyện vọng bày tỏ và tham gia ý kiến cá nhân về các vấn đề gia đình và xã hội. Nhiều cuộc gọi cũng quan tâm tới vấn đề tâm tâm lý của trẻ em, nhất là vấn đề rối nhiễu tâm trí của trẻ.

Đặc biệt, việc áp lực học hành được nhiều em chia sẻ từ chính câu chuyện trong gia đình mình. Bố mẹ ép các em học nhiều quá, kỳ vọng của bố mẹ đặt ra quá cao đã tạo ra áp lực lớn.

Khi những trăn trở này phát sinh, nếu chúng ta kịp thời giải thích được để bố mẹ và các em cùng hiểu thì sẽ bớt đi sự căng thẳng. Tuy nhiên, không hẳn câu chuyện nào cũng may mắn.

Tôi xin chia sẻ trường hợp có thật của một cháu bé có nhiều năm học sinh giỏi. Nhưng khi lên tới cấp 3, cháu không được danh hiệu học sinh giỏi. Hôm đó, ông bố chỉ mắng con 1 câu khá nặng nề. Gia đình nghĩ đó là chuyện bình thường nhưng chờ mãi không thấy con xuống nhà ăn cơm. Khi quay lên thì đã thấy cháu thắt cổ tự tử.

Đây là những câu chuyện đau lòng về kỹ năng sống giữa cha mẹ với con trẻ. Qua câu chuyện này, bài học đau xót cho các gia đình là đừng đặt quá nhiều kỳ vọng tới trẻ em, đừng yêu cầu vượt quá khả năng của con em mình.

Những kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ có thể gây hậu quả đau lòng
Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH)

Đường dây nóng là kênh chính thức bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Những dường như việc quảng bá thông tin về đường dây này chưa được nhiều?

Qua thống kê cho thấy, tỉ lệ trẻ em ở các đô thị gọi điện thoại tới đường dây nóng nhiều hơn trẻ ở các vùng nông thôn. Để gia tăng thêm nhiều đối tượng biết tới đường dây nóng, chúng tôi đẩy mạnh mục tiêu để trẻ em vùng sâu vùng xa tiếp cận đường dây này.

Trước hết từ qua “kênh” các trường dân tộc nội trú để quảng bá, đồng thời qua những ấn phẩm dành cho trẻ em ở vùng miền núi xa để các em biết được có dịch vụ tư vấn miễn phí này. Qua đó thu hút các em cùng tham gia vào đường dây nóng này.

Trước đây, chúng tôi đã kết hợp với 1 tổ chức quốc tế để triển khai thí điểm việc mua điện thoại và cấp điện thoại cho 1 số trẻ em ở trường dân tộc nội trú để giúp các em làm quen và biết tới dịch vụ này.

Đường dây nóng được hiểu như một tấm “phim âm bản” ghi lại những tác động tốt và chưa tốt của cuộc sống tới trẻ em. Vậy qua thực tế này, ông có cảnh báo gì trước những mặt trái của tác động?

Xu hướng phát triển của xã hội hiện nay đặt ra rất nhiều những áp lực và thách thức trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em. Trong gia đình, bố mẹ cũng đặt ra những yêu cầu rất lớn. Ngoài xã hội cũng luôn sự cạnh tranh và những mục tiêu phấn đấu rất lớn. Những điều này đã tạo cho các em vừa là động lực những cũng là áp lực.

Ngoài ra, thông tin tràn lan trên mạng, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, ly hôn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc nuôi dạy con trẻ. Tất cả những cái đó, các em đều tiếp nhận được. Vậy chúng ta phải có định hướng như thế nào để các em biết và lọc được thông tin, đồng thời hiểu được bản chất của vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Vũ Văn Dũng, đường dây nóng miễn phí hỗ trợ trẻ em có tên đầy đủ là “Phím số diệu kỳ 18001567” hoạt động 24h trong ngày. Sau 10 năm hoạt động, đường dây nóng tiếp nhận hơn 1,5 triệu cuộc gọi liên quan tới vấn đề trẻ em. Các nội dung được chia sẻ, giải đáp liên quan tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy trò, bạn bè. Nhiều vấn đề mới nổi lên là sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên, rối nhiễu tâm trí trẻ em…

Hoàng Mạnh (thực hiện)