Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến

(Dân trí) - Những tấm ảnh, cuốn sổ tay, tấm giấy khen hay bức thư chưa kịp gửi... là những kỷ vật của người liệt sĩ giải phóng đang được những người lính phía bên kia chiến tuyến tìm cách trao trả lại cho gia đình.

Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến
Những kỷ vật được các cựu chiến binh Úc gửi sang Việt Nam để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ quân giải phóng .

Vừa qua, thông qua Dự án “Những linh hồn phiêu dạt” của Học viện lực lượng quốc phòng Australia, Tiến sĩ Bop Hall và ông Derrill - cựu chiến binh thuộc Quân đội hoàng gia Australia đã chuyển sang Việt Nam hình ảnh một số kỷ vật của những người lính Bắc Việt, nhằm tìm kiếm thân nhân của các liệt sĩ này.
 
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, người tiếp nhận hình ảnh hiện vật nói trên - khoảng từ những năm 1966 – 1968, Quân đội hoàng gia Australia với tư cách là đồng minh của Mỹ đã cử một lực lượng tham chiến tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu và Long Thành (Đồng Nai).
Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến

Hai địa chỉ hòm thư tìm thấy trên người liệt sĩ quân giải phóng được những người lính bên kia chiến tuyến chôn cất sau trận đánh.

“Những kỷ vật này được các cựu chiến binh Úc lấy trong các cuộc chiến diễn ra trên 2 địa bàn đó. Sau trận đánh, họ tổ chức chôn cất cho những người lính giải phóng và vẽ sơ đồ, tọa độ chôn cất. Các kỷ vật thu giữ từ những người lính ở bên kia chiến tuyến cùng sơ đồ tọa độ chôn cất được họ mang về Úc khi quân đội nước này rút khỏi miền Nam Việt Nam. Giờ họ đang mong mỏi tìm được thân nhân của các liệt sĩ để trao trả các kỷ vật chiến tranh.

Khi tìm được thân nhân các liệt sĩ thì việc tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ Việt Nam được lính Úc chôn cất trong chiến tranh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là lần cuối cùng những cựu binh Úc đưa kỷ vật sang trao trả vì họ đều đã lớn tuổi rồi. Chúng tôi hi vọng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ nhanh chóng tìm được thân nhân của các liệt sĩ”, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến cho biết.

Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến

Tấm giấy khen đã mờ hết thông tin của người được tặng nhưng vẫn còn rõ số quyết định 160/QĐ do Thủ trưởng đoàn 45 Phạm Văn Xuất ký.

Các kỷ vật này có thể được lấy từ nhiều người lính khác nhau, ở những thời điểm khác nhau và các trận đánh khác nhau. Trong đợt này, các cựu chiến binh Úc gửi sang hình ảnh của 3 tấm giấy khen: Giấy khen của Mặt trận Giải phóng quân miền Nam Việt Nam tặng đồng chí Phạm Văn Hóa (quê quán xã Ngọc Chúc, huyện Giống Riềng, tỉnh Rạch Giá) thuộc đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn 45 vì đã có thành tích tình nguyện xin vào đội bột phá dũng cảm đánh bột phá hoàn thành tốt. Giấy khen được ký vào ngày 3/2/1966.

Tấm giấy khen thứ hai là của Quân giải phóng nhân dân Miền Nam Việt Nam tặng trung đội phó C209 Lê Văn Thôi (hoặc Thái) quê quán xã Bình Phan, Chợ Gạo, Mỹ Tho. Giấy khen do đồng chí Nguyên Lộc – Phó Chủ nhiệm chính trị (...) khu 4 ký nhưng không rõ ngày, tháng, năm .

Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến

Theo thông tin ghi trên giấy khen thì liệt sĩ này có tên Phạm Văn Hóa (quê xã Ngọc Chúc, Giồng Riềng, Rạch Giá) thuộc đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn 45.

Một giấy khen dược Thủ trưởng quân đoàn 45 Phạm Văn Xuất ký vào này 12/12/1965. Số Quyết định 160/QĐ. Toàn bộ thông tin liên quan đến người được tặng giấy khen đều đã bị mờ không còn đọc được.

Ngoài một số cuốn sổ tay với các ký hiệu đặc biệt như kiểu gõ chữ Telex còn có một cuốn sổ nhật ký bìa da màu đỏ, cuốn truyện sự tích Thanh xà – Bạch xà cùng tài liệu học tập Tu dưỡng thanh niên. Hai địa chỉ hòm thư Thanh Sơn: HT 61.258 V.T C6 kính gửi anh Năm Minh, Long Thành và Thanh Lao 07HT. 78.5265C kính gửi anh Hai HT 61.259 V.T C6 Bà Rịa kèm theo ghi chú “nhờ chuyển giao”.

Những kỷ vật liệt sĩ vô giá gửi về từ bên kia chiến tuyến
Giấy khen của đồng chí Lê Văn Thôi (hoặc Thái) xã Bình Phan, Chợ Gạo, Mỹ Tho, là trung đội phó C204.

Đặc biệt là 2 bức ảnh được tìm thấy trong ví của người lính Việt Nam. 2 bức ảnh chụp hai người phụ nữ cùng 2 đứa trẻ. Có thể đây là bức ảnh chụp vợ và con của người lính đã ngã xuống.

Bức thư chưa kịp gửi

Trong các kỷ vật được cựu chiến binh Úc chuyển sang Việt Nam lần này có một bức thư đề ngày 31/8/1968 của người lính có tên Thanh Lao. Chúng tôi xin trích đăng bức thư của người chiến sĩ này với hy vọng, qua những dòng chữ này có thể kết nối được với thân nhân của liệt sĩ Thanh Lao.

Có thể bức thư được viết được viết trong khoảng thời gian bình yên hiếm hoi sau trận đánh nhưng chưa kịp gửi đi. Hoặc có thể bức thư đã được gửi cho đồng đội nhờ chuyển hộ nhưng người đồng đội ấy đã ngã xuống trong một trận đánh sau đó. Người vợ của người chiến sĩ đã bị địch bắt trong lần đến thăm chồng nhưng anh đã nén chuyện đau buồn riêng tư của mình để tiếp tục chiến đấu.

Hai bức ảnh được cựu chiến binh Úc lấy từ liệt sĩ quân giải phóng.
Hai bức ảnh được cựu chiến binh Úc lấy từ liệt sĩ quân giải phóng.

Kính thăm ba má.

Nay con tạm vài hàng gửi về thay lời con thăm trước ba má và sau thăm chị Hai và tất cả các em của con (...) được luôn đồi dào sức khỏe.

Ba má kính nhớ của con, thời gian con đi xa quê hương tới nay thì tính­­ ra cũng không lâu lắm mà lòng con vẫn luôn tưởng nhớ đến ba má và các em của con nhiều lắm ba má. Gi... tinh (tin – PV) chắc rằng chỉ có nhớ ba má thì con chỉ tạm mảnh giấy trắng và đôi dòng mực xanh để gửi về thay lời của con tạm thăm quê hương và gia đình mạnh.

Ba má kính nhớ. Từ dạo ấy đến nay sức khỏe ba má có được mạnh khỏe không và làm ăn có khá hơn trước không? Ba má biên thư báo cho con mừng với.

Bức thư của liệt sĩ Thanh Lao viết cho bố mẹ.

Bức thư của liệt sĩ Thanh Lao viết cho bố mẹ.

Còn riêng phần con, con cũng báo cho bá má mừng là con hiện nay vẫn mạnh và công tác cũng có phần tiến bộ hơn trước. Còn về phần vợ con, hôm rồi có lên thăm con về thì bị bắt rồi. Con cũng báo sơ bộ cho ba má rõ thôi vắng (vắn – PV) tắt vài hàng thăm ba má.

Cuối thư chúc ba má và chị Hai nói chung là tất cả gia đình đều mạnh hết và làm ăn được gặp muôn điều như ý.

Con của ba má.

Thanh Lao”.

Hoàng Lam