Đồng Nai:

Những đứa trẻ ngày ngày bị trói vào mạn thuyền

(Dân trí) - Từ khi sinh ra đến khi biết bơi, trẻ xóm vạn chài được cha mẹ chăm sóc rất “đặc biệt”. Chúng được buộc vào người những chiếc can nhựa, cục xốp, túi khí… để làm phao cứu sinh; thậm chí bị trói, xích vào mạn thuyền…

Giành con với “thủy thần”

 

Làng vạn chài Thái Hòa nằm trên một nhánh sông Đồng Nai, thuộc khu phố Thái Hòa (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Từ xa xưa, những người làm nghề đánh bắt cá đã ghép bè, ghép thuyền làm nhà nổi rồi ăn đời ở kiếp trên mặt sông. Từ đây, những con  tôm, con cá của sông là nguồn “cơm” chủ yếu cho hàng trăm hộ gia đình.

 

Sống, làm việc trên sông nước nên người dân nơi đây luôn phải đối đầu nạn đuối nước ở con trẻ. Để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối, những bậc phụ huynh nơi xóm vạn chài luôn phải trang bị phao cứu sinh hoặc phòng ngừa rủi ro bằng cách trói, xích con nhỏ của mình vào mạn thuyền.
 
Những đứa trẻ ngày ngày bị trói vào mạn thuyền
Buộc túi khí làm phao cho trẻ

 

Nhìn ra quãng sông mênh mông sóng nước, ông Trần Văn Lý (60 tuổi) cho biết: “Nhà cửa nổi trên sông nên chỉ cần sơ sẩy là trẻ em rơi xuống nước chết đuối ngay tức khắc. Thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước, số lượng trẻ em chết đuối trong vòng chục năm trở lại đây đếm không xuể”.

 

Ông Lý cho biết thêm, một khi trẻ em rơi xuống nước là sẽ chìm rất nhanh nên nguy cơ tử vong cao. Nhiều trường hợp mẹ ở nhà chăm sóc con, thấy con rơi xuống nước liền lặn xuống cứu nhưng không thể tìm thấy hoặc tìm thấy thì cháu bé đã tử vong.

 

Chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi) là một trong những người mẹ có con trai hai tuổi bị “thủy thần” bắt đi. Không giấu được nỗi đau mất con chị tâm sự: “Hôm đó tôi vừa tắm cho cháu xong thì để cháu ngồi chơi một mình rồi vào phòng lấy quần áo cho cháu. Khi quay trở ra thì cũng là lúc thằng bé chạy ra phía mép ngoài mạn thuyền rồi bất ngờ rơi xuống nước…”. 

 

Để tai nạn thương tâm không lặp lại với đứa con thứ 2, chị Nga đành chấp nhận dùng dây buộc con vào mạn thuyền. Những lúc cháu bé muốn “di động”, chơi nhảy thì chị buộc vào người con một chiếc can nhựa 5 lít hoặc quả bóng, cục xốp làm phao. Chị Nga cho biết, cách buộc can, xốp vào người cháu bé là giải pháp chống chìm tạm thời khi tai nạn xảy ra. Dù cháu bé được trang bị “phao” nhưng khi rơi xuống nước nếu không được phát hiện kịp thời cháu vẫn có thể bị ngạt nước dẫn tới tử vong.

 

Để bảo vệ con trước sự hung dữ của “thủy thần”, anh Cao Quang Huynh (30 tuổi) lại có cách khác. Mỗi khi đi làm việc, đi đánh cá anh thường đưa cháu đi cùng và dùng dây buộc cháu vào mạn thuyền. “Khi ngủ là khi đáng lo ngại nhất. Những lúc như vậy chỉ còn cách dùng dây buộc hai cha con lại với nhau. Giấc ngủ là giấc chết nên tôi không dám cột “phao” cho cháu mà phải tìm cách “xích” cháu vào nơi nào đó cố định” - Anh Huynh cho biết.
 
Không đủ tiền gửi trẻ
Làng vạn chài Thái Hòa

 

Không đủ tiền gửi trẻ

 

Cuộc sống của người dân xóm vạn chài phụ thuộc vào nguồn tôm, cá của sông nước. Gia tài của mỗi một gia đình nơi đây không gì khác ngoài một chiếc bè lớn làm chỗ ở chung và một chiếc thuyền nhỏ làm phương tiện đánh cá. Cuộc sống trôi nổi, bấp bênh nên việc đưa con nhỏ đi gửi trẻ là cả một vấn đề lớn.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết (29 tuổi) cho hay: “Thấy con người ta được đi học mình cũng khát khao cho con được đi. Nhưng giờ bữa ăn còn chưa no thì lấy đâu ra tiền để cháu đến trường”.

 

Vợ chồng chị Tuyết làm nghề chài lưới và lặn cá trên sông Đồng Nai. Trong 4 đứa con, chỉ có đứa con gái lớn được đến trường. 3 đứa nhỏ còn lại không được đi học vì chị không có tiền. Vợ chồng chị tự chăm sóc con bằng cách buộc con vào phao, buộc vào mạn thuyền cho đến khi các cháu có thể tự học bơi.
 
Những đứa trẻ ngày ngày bị trói vào mạn thuyền

Mới 29 tuổi nhưng chị Tuyết đã có tới 4 con. Hàng ngày chị phải trông 3 đứa trẻ lít nhít, chỉ còn cách buộc chặt con vào cột thuyền để bảo toàn tính mạng cho con.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân xác nhận, xóm vạn chài Thái Hòa có khoảng gần 100 hộ gia đình, trong đó có 11 hộ thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của người dân chủ yếu là nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua người dân vẫn được hưởng ưu tiên từ các chính sách phát triển kinh tế xã hội, được vay vốn làm ăn, tuy nhiên kinh tế vẫn còn khó khăn.

 

Minh Hậu