Những đồng tiền tỉ “vô dụng”

(Dân trí) - Khắp nơi, từ trên xuống dưới, người ta mải miết hô hào tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng đâu đó ở các địa phương vẫn có những công trình xây bằng tiền tỉ của Nhà nước mà chẳng dùng vào việc gì. Dưới đây chỉ là một vài công trình “nhỏ” trong số đó.

Xây chợ để ngắm

 

Năm 2001, chợ Cụm Thuận thuộc huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) được đầu tư xây dựng trên vùng đất có diện tích hơn 2.000 m2, kinh phí đầu tư gần 1 tỉ đồng. Chợ dự kiến sẽ là trung tâm phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt cho 3 xã biên giới Hướng Lập, xã Thuận và xã Thanh. Ngôi chợ sau khi xây xong rất to đẹp, là niềm tự hào của huyện Hướng Hoá. Tất cả người dân trong vùng đều vui mừng, từ nay không còn phải băng rừng mấy chục cây ra chợ huyện mua sắm.

 

Nhưng đã 5 năm nay, công trình hoàn thành và nghiệm thu xong rồi để đấy, niềm vui của bà con “nguội” dần theo thời gian. Chợ bỏ hoang không có người buôn bán.

 

“Cả vùng này không có cái chợ để buôn bán. Dân ở đây muốn mua gì cũng phải băng rừng ba chục cây số về chợ huyện. Muốn đi chợ phải dậy từ khi trời chưa sáng, đến tối mịt mới về đến nhà. Nông sản làm ra cũng phải chở về dưới xuôi chứ không thể bán vì chợ không hoạt động. Không biết các ông khi xây dựng tính toán thế nào mà khi chợ hoàn thành chẳng có ai vào mua bán cả” - Bà Hồ Thị Mai, một người dân nơi đây, bức xúc.

 

Ông Phạm Xuân Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận - cho biết, do đồng bào dân tộc không quen buôn bán nên chẳng có ai dám bỏ vốn ra để mua hàng về bán phục vụ bà con. “Chúng tôi vẫn biết chợ xây xong mà để không vầy là rất lãng phí nhưng cũng đành chịu vậy, chúng tôi đành phải chờ sự giúp đỡ của cấp trên thôi”.

 

Được biết, trước khi chợ hoàn thành, UBND xã cũng cho phép 24 hộ đấu lô để kinh doanh nhưng hàng hóa không phong phú, khách thưa thớt nên các hộ nhanh chóng dẹp hàng. Chính quyền ba xã đã đưa ra nhiều giải pháp giữ chân tiểu thương nhưng không mấy hiệu quả. Năm năm nay, công trình không người sử dụng, không tu bổ nên cũng xuống cấp nhanh.

 

“Sắp tới chúng tôi sẽ kết hợp với Công ty Thương mại Miền núi Quảng Trị để họ có hướng đầu tư mở các kiốt bán hàng. Nếu phương án này không thể thực hiện thì chúng tôi báo cáo với UBND huyện để có hướng giải quyết chứ để tình trạng này kéo dài thì người dân vẫn khổ mà chợ thì ngày càng xuống cấp” - ông Sang cho biết.

 

Chính quyền địa phương đang loay hoay tìm cách “cứu sống” chợ. Hàng ngày, người người đi qua nhìn khu chợ đều trầm trồ: “Khu chợ hoang đẹp quá!”.

 

Nhà máy nước gần 400 tỉ không dùng được

 

 

Những đồng tiền tỉ “vô dụng” - 1
 

 

Bắt đầu khởi công vào giữa năm 2004, dự án xây dựng, mở rộng Nhà máy nước Cầu Đỏ (xã Hoà Thọ, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) với công suất dự tính 110.000 m3/ngày, hứa hẹn sẽ đem dến nguồn nước sạch dồi dào cho những khu dân cư, khu đô thị mới.

 

Công trình được Công ty cổ phần Vinaconex 10 thi công chính. Ngay từ lúc mới khởi công, nhiều hạng mục đã bị làm ẩu, làm bừa, chất lượng không đảm bảo.

 

Ông Nguyễn Hoàng Nam Trân, giám sát kỹ thuật của Ban chỉ huy công trình, đã gửi không dưới 3 lần các báo cáo phản ánh việc thi công vô trách nhiệm của đơn vị thi công như: Bể lọc nhanh phát hiện 11 ổ bê tông có vết nứt, có vết kéo dài đến gần 3 mét, có thể nhìn thấy bằng mắt thường; Các thiết kế bờ tường, giằng mái đều bị thu nhỏ hơn so với thiết kế; Lớp vữa trát tường không đều, sai quy cách; Sàn thấm và nhỏ giọt; Đáy mương dẫn nước bị gãy;…

 

Những sai sót cứ được phát hiện và sửa chữa liên tục khiến công trình trị giá gần 400 tỉ đồng trở nên ì ạch, tính đến nay đã chậm hơn so với dự kiến 2 năm, và có thể còn kéo dài hơn nữa.

 

Mới đây, ngày 10/2, Giám đốc Công ty Vinaconex 10 đã bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 200 triệu đồng tại Đà Nẵng. Liệu trong những tham nhũng, tiêu cực của vị giám đốc này, có “phần” nào liên quan đến công trình Nhà máy nước Cầu Đỏ?

 

Được biết, trong quá trình xây dựng nhà máy, công trường này cũng “nổi tiếng” về tình trạng tai nạn lao động xảy ra thường xuyên, làm 1 người chết và hàng chục người bị thương.

 

Công trình nước “tắc” ở Kon Tum

 

 

Những đồng tiền tỉ “vô dụng” - 2
 

 

Công trình nước tự chảy cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) được Ban quản lý dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Kon Tum nghiệm thu và chính thức đưa vào sử dụng hồi tháng 1/2005. Đường ống dẫn nước đã về đến một nửa số thôn trong thị trấn. Nhưng từ đó đến nay, không hiểu sao chỉ có ống nước mà không có… nước.

 

Công trình có vốn đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng; trạm lọc nước có công suất hơn 1.000 m3/ngày đêm; hệ thống ống dẫn nước gần 6 km với 32 đồng hồ đo nước chưa sử dụng vì nước chưa chảy.

 

Giải thích với người dân, ngành chức năng đổ lỗi do khâu thiết kế, do khảo sát không kỹ, dẫn đến đánh giá lưu lượng nước vào mùa khô của công trình không thực tế. Biện pháp của “trên” là dân chịu khó chờ và dùng nước tiết kiệm.

 

Đến bể lọc đầu nguồn để “mục sở thị”, chúng tôi nhận thấy đập vẫn hoạt động tốt, nguồn nước được lấy từ mạch nước ngầm của đỉnh núi Chư Mom Ray, trạm lọc nước được xây dựng khá bề thế và quy mô, nước trong hồ đầy ắp, nguồn nước từ đầu nguồn đổ vào rất mạnh.

 

Ông Nguyễn Công Sơn - Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Sa Thầy - nhận xét: “Trạm lọc nước nằm ở độ cao 80m so với thị trấn nên độ chảy không thể yếu được. Và thật tình chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi giữa núi rừng như thế này mà Ban quản lý lại xây một cổng trạm đồ sộ và hao tốn đến thế”.

 

“Người dân đã đợi nước quá lâu rồi. Họ đề nghị chính quyền trả lời, giải thích cho dân là công trình đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng như thế tại sao hiệu quả sử dụng không có, trách nhiệm này thuộc về ai?”, ông Sơn nói trước lúc chia tay.

 

Nhóm PV miền Trung