Những cái bẫy khi đi du lịch giá rẻ

Vào hè, các công ty du lịch đua nhau chào khách với những tour giá rẻ song thực tế không ít trường hợp, du khách vừa phải trả thêm tiền mà vẫn không ưng ý. Thậm chí khách còn bị các công ty "bán trao tay" để hưởng mức chênh lệch.

Vào mùa du lịch, các công ty làm tour đang cạnh tranh nhau quyết liệt về giá cả. Trên các quảng cáo, giá tour đều được thể hiện một cách bắt mắt nhất với mức giá thấp nhất có thể, mức chênh lệch giữa các công ty chỉ là vài đô, thậm chí chỉ là một dấu cộng (+).

 

Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm đi du lịch thì họ thường chọn công ty nào có giá thấp nhất. Tuy nhiên, điều mà họ không ngờ tới là chất lượng dịch vụ thường đi đôi với giá cả. Ông Tâm, chủ tịch Công đoàn một công ty cơ khí ở khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, cứ đến đầu hè là ông lại nhận được vô số lời mời, giấy báo giá của các công ty du lịch. Năm ngoái vì ngân quỹ có hạn nên ông Tâm chọn một công ty chào giá thấp nhất (220 nghìn đồng/người) để tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát Sầm Sơn 2 ngày. Chuyến đi này khiến ông rất đau đầu và mất nhiều uy tín với anh em vì dịch vụ du lịch của tour này quá kém.

 

Khi chào hàng nhân viên tiếp thị của công ty du lịch hứa hẹn là phòng nghỉ có đầy đủ tiện nghi, địa thế đẹp, ăn uống đảm bảo đủ chất. Nhưng thực tế, nhà nghỉ thì xập xệ, giường chiếu ộp ẹp, điện liên tục bị cắt cúp. Vẫn chưa hết, khi đến bữa ăn thì chính ông Tâm cũng không chịu nổi với bữa cơm sơ sài chỉ một đĩa rau muống xào cứng đanh, một đĩa cá bể xốt và bát canh chua. Ông đành phải bỏ thêm tiền để cải thiện bữa cơm cho công nhân.

 

Trong chuyến đi Thái Lan hồi đầu năm, chị Trần Thanh Trang, sống tại khu tập thể Thành Công, cũng bị "hố" với lời quảng cáo hấp dẫn của công ty du lịch. Khi đến tìm hiểu thông tin chị được giới thiệu tour chỉ tốn 220 USD nhưng thực tế chị phải tốn thêm khoảng 40 đôla nữa cho các chi phí lặt vặt như phí sân bay, phí an ninh... Khi thắc mắc, hướng dẫn viên mới nhẹ nhàng giải thích rằng "tại chị không để ý đến mấy dấu cộng sau giá tour, đó là dấu hiệu giá còn có các phí ẩn". Vậy nhưng khách sạn chị ở cũng không phải là "khách sạn quốc tế" mà chỉ là một khách sạn hạng thường. Dịch vụ hoàn toàn không được hoàn hảo như lời hứa hẹn. Sau những phiền toái ấy, cả ông Tâm và chị Trang đều rút kinh nghiệm không nên ham rẻ, vì "tiền nào của ấy".

 

Một hướng dẫn viên du lịch tiết lộ, thực ra giá tour của các công ty là tương đồng nhau. Nếu có sự chênh lệch chỉ là khi công ty du lịch có lượng khách lớn thường xuyên nên được các hãng hàng không ưu ái giảm giá một số vé vào thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, có những công ty du lịch lớn, lượng khách đảm bảo nên họ ký hợp đồng lâu dài với các nhà nghỉ hay đối tác nước ngoài và được hưởng một số ưu đãi. Còn công ty nào bán tour với giá rẻ thì chất lượng dịch vụ thường rất kém.Với những chuyến đi dài ngày, hành trình xa thì thời gian chủ yếu của khách là ở trên tàu xe, việc di chuyển diễn ra vào ban đêm nên không mất tiền nhà nghỉ.

 

Không chỉ hành khách trên những chuyến xe liên tỉnh bị "bán" mà ngay cả khách du lịch cũng có thể bị "sang tay", bởi các công ty chân rết chuyên dồn tour. Tại các thành phố lớn vào dịp cao điểm xuất hiện khá nhiều trung tâm, văn phòng du lịch mùa vụ. Các trung tâm này chỉ hoạt động trong vòng 2-3 tháng, nhân sự chính thức chỉ vài ba người, còn lại chủ yếu là lao động thời vụ. Đội ngũ này có nhiệm vụ đến các công ty, tổ chức chào bán tour, sau đó trung tâm sẽ kết nối với một công ty du lịch thực hiện tour và họ hưởng mức giá chênh lệch. Chính vì vậy mà rất nhiều người đi du lịch mà không biết mình đã bị "móc" mất ít tiền "chênh lệch phí" .

 

Chuẩn bị cho nhân viên trong công ty đi du lịch dịp lễ 30/4, anh Đặng Hải, nhân viên công ty máy tính Mặt Trời, đặt trước phòng khách sạn ở Nha Trang nhưng toàn được trả lời hết phòng. Để cho chắc chắn anh đăng ký tour theo lời tiếp thị của công ty Nam Anh. Nhưng đến hôm tập trung để khởi hành, anh Hải và đồng nghiệp mới biết thực chất tour này là của một công ty du lịch khác mà Nam Anh chỉ là đại lý và mức giá mà anh phải bỏ ra cao hơn rất nhiều so với chi phí thật của chuyến đi.

 

Tình trạng cháy phòng ảo như ở Nha Trang cũng xảy ra khá phổ biến ở các điểm du lịch nổi tiếng trong dịp lễ tết. Các nhân viên du lịch thường thông báo nhà nghỉ, còn ít hoặc hết phòng nhằm ép khách, tăng giá. Tuy nhiên, hiện cũng có một bộ phận không nhỏ khách du lịch sẵn sàng trả giá cao cho tour chất lượng để được hưởng thụ một tour chất lượng cao. Do đó, khi được thông báo là khu du lịch quá đông hoặc đắt đỏ là họ e ngại. Chính vì vậy mà dịp lễ tết vừa qua rất nhiều tour bị bể do "gậy ông lại đập lưng ông".

 

Điển hình như tour Đà Lạt, Nha Trang, khách đến rất ít, nhiều công ty du lịch phải phá vỡ hợp đồng vì không thể thực hiện được tour. Nhà nghỉ còn ê hề dù trước đó được thông báo là đã hết phòng.

 

Theo VnExpress