1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những bước chân vạn dặm tiến về “lòng chảo” Điện Biên

(Dân trí) - Tôi gọi người dân công xe thồ ở chiến dịch Điện Biên là những người có bước chân “vạn dặm”. Những bàn chân ấy đã tướp máu, chai cứng thành từng mảng. Và cũng chính những bàn chân đó đã góp phần rất lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cựu dân công xe thồ Điện Biên Trần Nhật Hợi.
Cựu dân công xe thồ Điện Biên Trần Nhật Hợi.

Thật khó để tưởng tượng người đàn ông nhỏ bé ngồi trước mặt chúng tôi đã từng đẩy khối lượng hàng hóa gấp 3, gấp 4 lần trọng lượng cơ thể mình với quãng đường nếu trải dài ra cũng ít nhất là hàng nghìn km để tới chiến trường Điện Biên. 17 tuổi, học hết lớp 7, lại biết đi xe đạp nên cậu thanh niên mới lớn Trần Nhật Hợi (SN 1932, xóm 2, Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An) được tuyển đi dân công xe thồ.

“Cùng với hơn 20 người khác, tôi được phân một chiếc xe đạp để đi vận tải gạo phục vụ chiến trường Điện Biên. Hồi đó tôi nhỏ tý, xe đạp cũng mới biết đi thôi, chưa vững lắm. Lúc chuẩn bị lên đường, mọi người xúm lại, người giúp tôi buộc cái tay ngai, người giúp buộc cọc thồ để chất hàng. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi đạp xe ra Thanh Hóa, chuẩn bị cho công tác vận tải lương thực phục vụ chiến trường Điện Biên”, ông Hợi nhớ lại.

Lần đầu tiên đi xe đạp đường dài, dẫu trẻ nhất, sung sức nhất đoàn nhưng khi xuống dốc Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) thì Hợi ngã chỏng quèo. Cú ngã đau khiến Hợi choáng váng nằm lịm đi một lúc. Đến khi anh tiểu đội phó quay lại tìm mới có thể lồm cồm bò dậy để đi tiếp.

Sau gần một tuần đi theo đường mòn qua các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa, đoàn dân công Nghệ An mới đến được điểm nhận lương thực. Tại đây, mỗi người nhận một số lượng gạo, tùy thuộc vào sức khỏe và khả năng của mình nhưng tối thiểu phải chở 1 tạ gạo. Ngoài số gạo vận chuyển cho chiến trường, mỗi dân công được phân phối 1 kg thịt để làm thức ăn trong vòng 1 tuần.

Ông Hợi đang kể lại những ngày thồ lương thực phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ với phóng viên.
Ông Hợi đang kể lại những ngày thồ lương thực phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ với phóng viên.

“Để thức ăn không bị thiu và có thể ăn trong vòng 1 tuần lễ, chúng tôi phải nấu thật mặn, cứ mỗi cân thịt “cõng” 2-3 cân muối, lèn chặt vào ống bương. Nhận hàng xong, anh tiểu đội phó phải san giúp cho tôi 20 kg. Nhưng 80 kg gạo tôi loay hoay mãi cũng không bắc lên được. Mọi người bắc giúp cho, mình chỉ việc đẩy đi nhưng tay chân run lẩy bẩy, không tài nào mà đẩy đi được. Mãi rồi cũng quen. Đến chuyến đi thứ 3 thì tôi đã có thể thồ được 1 tạ”, ông Hợi kể tiếp.

Con đường xe thồ luồn lách trong những cánh rừng ở phía Tây Thanh Hóa, vượt sang Lào rồi mới tới Biện Biên. Dân công xe thồ hầu như ai cũng dính sốt rét rừng. Đang đẩy cả tạ gạo trên xe, cơn sốt ập đến. Vậy là tấp xe vào bụi cây, vật ngay bên vệ đường mà nằm. Hết sốt lại đi tiếp. Xe đi trên những con đường mòn nhỏ xíu, chênh vênh, trên đầu là máy bay địch quần thảo. Gian khổ, khó khăn và hiểm nguy mà những người dân công xe thồ phải trải qua không thể nói hết được.

“Anh em xe thồ ai cũng được phát một đôi dép cao su. Thời gian đầu thì còn dép, đứt thì nối lại đi tiếp. Đến khi thì dép cũng chẳng còn, vậy là đi chân đất. Trời mưa, đường trơn như mỡ, 10 đầu ngón chân bấm xuống đất tóe máu. Lúc cho xe xuống dốc mới hết khổ. Xe không phanh, đường trơn, cứ thế lao tuột xuống. Chúng tôi phải thò chân mình vào lốp để làm phanh. Đi lâu, bàn chân chai cứng từng mảng. Dân công phải lấy dao “gọt” mảng chai sần ấy mà đi tiếp”, ông Hợi kể.

Ông Trần Nhật Hợi đang diễn tả lại cách chế tạo phanh cho những chiếc xe đạp dùng để thồ hàng.
Ông Trần Nhật Hợi đang diễn tả lại cách chế tạo "phanh" cho những chiếc xe đạp dùng để thồ hàng.

Vất vả, gian khổ, thiếu thốn và hiểm nguy nhưng anh dân công Trần Nhật Hợi luôn cố gắng tăng khối lượng vận chuyển. Từ chỗ thồ được 80kg cũng đã “hết cả hơi”, dần dà ông thồ được 1,5 tạ, trong khi trọng lượng cơ thể chỉ hơn 40 kg. Tuy nhiên, đoàn xe thổ chỉ tập kết lương thực cách trận địa gần chục km nên Trần Nhật Hợi vẫn chưa một lần được tới lòng chảo Điện Biên.

Ngừng một lát để nhâm nhi ly trà đặc, ông Hợi kể: “Một sáng đầu tháng 5, khi đang thồ gạo đi ngược lên thì gặp từng đoàn bộ đội đi xuống, chúng tôi ngạc nhiên lắm. Rồi một chiếc xe quân sự đi chầm chậm lại, người trong xe đứng lên, đưa bàn tay vẫy chào và cười rất tươi. Mọi người nhận ra, nói với nhau: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó”. Đến lúc này chúng tôi mới biết chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, địch đã đầu hàng vô điều kiện”.

Mang tiếng là đi chiến dịch mà chưa được tận mắt nhìn thấy chiến trường Điện Biên, ông Hợi cũng lấn cấn trong lòng. Thay vì quay xe về xuôi, ông cùng người bạn của mình quyết định thồ chuyến hàng cuối cùng lên tận trận địa. Đến gần tới đích thì bị bộ đội ngăn lại với lý do đang thu dọn chiến trường.

“Năn nỉ mãi, mấy anh bộ đội cũng không cho qua hàng rào để vào trận địa. Cuối cùng, các anh mủi lòng cho chúng tôi trèo lên đài quan sát, cho mượn cả ống nhòm để xem. Chao ôi, cả một vùng thung lũng rộng lớn rợp một màu trắng cờ đầu hàng của quân Pháp. Những lô cốt giặc, những lỗ châu mai im lìm, những hào giao thông đan chằng chịt như thít chặt lấy trung tâm đầu não của địch. Cả chiến trường ngổn ngang những ụ đất bị đạn cày xới. Như thế đủ để biết rằng bộ đội ta đã phải chiến đấu ác liệt và ngoan cường như thế nào.

Ông Hợi và vợ - người đã đi cùng ông suốt chặng đường đời.
Ông Hợi và vợ - người đã đi cùng ông suốt chặng đường đời.

Thế mới biết, những khó khăn vất vả mà chúng tôi đã trải qua trên những chặng xe thồ chẳng thấm tháp vào đâu so với những gian khổ và hi sinh của bộ đội trên chiến trường. Ấy vậy nhưng chúng tôi cũng thấy tự hào lắm. Những chuyến xe thồ của chúng tôi đã góp phần cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Trong chiến thắng này, dân công xe thồ cũng đã vinh dự được góp phần”, ông Hợi kể tiếp.

Người dân công xe thồ Trần Nhật Hợi được một người lính tặng chiếc dù để làm kỉ niệm cho quãng thời gian 4 tháng 10 ngày góp công cùng chiến dịch. Kỉ vật ấy qua năm tháng, qua bao biến đổi của cuộc sống, của thời gian ông Hợi đã không giữ được nhưng kí ức xe thồ vẫn như còn nguyên vẹn trong ông. Một kí ức rất đỗi hào hùng và đẹp đẽ…

Hoàng Lam