TPHCM:

"Nhóm lợi ích là ai, ở đâu?"

(Dân trí) - Tham nhũng, lợi ích nhóm... là những vấn đề cử tri trăn trở, gửi nhiều câu hỏi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu QH Tp HCM. Cử tri đề nghị làm rõ khái niệm lợi ích nhóm để "tìm ra những ký sinh trùng hủy hoại xã hội"...

Sáng 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri Quận 1, TPHCM.
 
Mạnh tay với tham nhũng

Ông Trần Du lịch đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa 13. Đại biểu Hoàng Hữu Phước cũng báo cáo hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đến với đông đảo cử tri.

Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, năm 2013, Quốc hội tập trung tăng cường chính sách vĩ mô, kéo lạm phát xuống thấp hơn năm 2012 nhưng tăng trưởng sẽ cao hơn. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 đã thông qua 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội…, thông qua 9 đạo luật. Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiến pháp sửa đổi được lấy ý kiến toàn dân trong ba tháng kể từ ngày 2/1/2013.

Rất đông đảo cử tri đã phản ánh, đặt câu hỏi chất vấn và đóng góp ý kiến về hoạt động của Quốc hội, Chính phủ thông qua các đại biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 26/11
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 26/11

Cử tri Trần Văn Lài (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) cho biết ông rất phấn khởi khi luật đất đai, luật phòng chống tham nhũng được hoàn thiện, thông qua. Tuy nhiên, những trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế khi đăng đàn trước Quốc hội có phần lúng túng. Vì thị trường thuốc phức tạp mà Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị giao cho ngành khác quản lý thì chưa chuẩn, né tránh. Cử tri Lài cũng không hài lòng với cách trả lời chất vấn của thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình. “Thống đốc nói đã tồn tại lợi ích nhóm trong một số ngân hàng. Vậy lợi ích nhóm như thế nào cần nêu rõ”, cử tri Lài thắc mắc.

Về phòng chống tham nhũng, cử tri Lài cho rằng kỳ họp nào cũng nêu ra vấn nạn này. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi được thông qua, bản thân ông rất mừng nhưng ông thấy nói hoài, nói mãi nhưng không ai làm nổi. “Liệu thời gian tới có xoay chuyển được tình hình để dân tin không?”, cử tri Lài chất vấn.
Chủ tịch nước trò chuyện cùng cử tri bên lề buổi tiếp xúc (Ảnh: Người Lao động)
Chủ tịch nước trò chuyện cùng cử tri bên lề buổi tiếp xúc (Ảnh: Người Lao động)
 
Cử tri Nguyễn Xuân Mậu cho rằng, tham nhũng là một điều kiện để tạo ra nguy cơ mất nước. Không thể khắc phục vấn nạn này trong một sớm một chiều nhưng cần phải kiên quyết xử lý một cách mạnh tay thì mới mong cải thiện tình hình. Cử tri Mậu cũng đề nghị cần có những chính sách phù hợp, quan tâm, chăm lo đối với cán bộ cấp xã phường. “Họ là những người gần dân nhất, nhưng tiền lương quá thấp, không đủ nuôi con, nuôi bản thân mình. Tôi lương hưu không dưới 10 triệu đồng/tháng mà còn thiếu. Năm 2013, Chính phủ cố gắng nâng lương của cán bộ công nhân viên chức cấp xã phường chứ lương 2 – 3 triệu đồng như hiện nay thì làm sao mà đủ sống”.
 
Cử tri Nguyễn Thị Bích Vân (P.Cầu Kho) cũng đồng tình với ý kiến cử tri Nguyễn Xuân Mậu khi kiến nghị cần quan tâm đến thu nhập của cán bộ địa phương cấp xã phường vì họ là những người gần dân, nghe dân "mắng" nhiều nhất nhưng thu nhập còn quá thấp.
 
Về việc tăng phí phạt vi phạm giao thông, theo cử tri Bích Vân, dân nghèo ì lưng ra đóng, nhưng có thể lại rơi vào túi cá nhân, nhà nước thất thu khoản tiền này. Vì vậy, những nghị định của Chính phủ ban hành làm sao cho dân tin…”, cử tri Vân nhắn nhủ.

Cử tri Bích Vân cho rằng, Nghị định 71 quy định xử phạt xe không chính chủ đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân nghèo. Người nghèo mua xe cũ giá 2-3 triệu đồng thì không thể sang tên, đổi chủ. Kiểm tra, xử phạt xe không chính chủ là điều hết sức vô lý.

Cử tri quan tâm đến phòng chống tham nhũng, xử lý lợi ích nhóm
Cử tri quan tâm đến phòng chống tham nhũng, xử lý lợi ích nhóm

Cử tri phường Bến Thành, Phạm Thị Nga tâm sự rằng, chủ trương bỏ phiếu thăm dò, bỏ phiếu tín nhiệm những người cán bộ chủ chốt và việc công khai tài sản các cán bộ có chức, có quyền làm cho lòng dân tin, dân vui. Nhưng thực ra, người dân vẫn băn khoăn khi thực tế bỏ phiếu sẽ dẫn đến việc vận động bỏ phiếu. Chủ trương công khai tài sản nhưng nếu cán bộ chủ chốt không công khai hoặc không muốn công khai, hoặc công khai lương cơ bản thì xử lý như thế nào?. Những người phát hiện đúng tài sản của cán bộ thì có được bảo vệ không?.

Cử tri Nga cũng dẫn chứng ra 2 trường hợp mà bà “tai nghe, mắt thấy”. Đó là việc một vợ chồng cán bộ cách đây 10 năm xây căn nhà 3 tỷ đồng. Khi kiểm tra, thì cán bộ này nói tiền xây nhà do nuôi heo mà có nhưng thực tế kiểm tra thì không có nuôi con heo nào. Phát hiện lời khai không trung thực nhưng sau đó sự việc “chìm xuồng”. Trường hợp khác, một cán bộ chưa vợ, chưa con xây nhà 18 tỷ đồng. Bị “chỉ trích” nên anh này không ở mà cho người nước ngoài thuê. “Thử hỏi lương cán bộ bao nhiêu mà xây nhà to như thế. Có dấu hiệu tham nhũng nhưng sao không kiểm tra tiếp mà dừng lại giữa chừng?”, cử tri Nga thắc mắc.  

Cử tri Nga cũng cho rằng, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, hội thảo về chống tham nhũng nhưng chỉ là bước đầu. Cần có những biện pháp như thế nào để thực thi là câu hỏi cử tri này đặt ra?.
 
Khoa học hóa khái niệm lợi ích nhóm

Cử tri Nguyễn Thị Hiệp nhắc lại thông tin hiện nay kinh tế khó khăn do xuất hiện cái gọi là lợi ích nhóm. “Vậy lợi ích nhóm ở đây là ai, ở đâu, ngành nào, gây hậu quả như thế nào và đã có biện pháp gì để hạn chế lợi ích nhóm hay chưa?”. Cử tri này cho rằng, kết quả khảo sát tham nhũng thì Cảnh sát giao thông đầu sổ. Vậy nên, Nghị định 71 vô hình chung tạo thêm điều kiện cho CSGT tham nhũng. “Tôi nhớ lúc trước Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri có nói việc những cán bộ tham nhũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh nhưng thật ra, hiện nay thì là cả một nồi canh sâu. Vậy phải làm như thế nào đây?”, cử tri Hiệp đặt vấn đề.

Cử tri phường Cầu Ông Lãnh, Trần Văn Lâm cũng bày tỏ sự băn khoăn. Lợi ích nhóm là như thế nào?. Ảnh hưởng từ xã hội đến gia đình, thân nhân của lợi ích nhóm ra sao?. Đề nghị cần khoa học hóa khái niệm lợi ích nhóm để tìm ra những ký sinh trùng hủy hoại xã hội, đất nước.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định, cử tri đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nhưng đồng thời cũng hết sức quan tâm đến việc chống tham nhũng. Chủ tịch cho biết, kiểm tra giám sát trách nhiệm cá nhân do Quốc hội bầu, phê chuẩn là việc làm cụ thể, rất quan trọng trong tổng thể giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng. “Nếu làm tốt, chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cử tri phản ánh những quan tâm, góp ý của mình đến các đại biểu Quốc hội
Cử tri phản ánh những quan tâm, góp ý của mình đến các đại biểu Quốc hội

Chủ tịch nước cho biết, muốn việc lấy phiếu tín nhiệu đối với cán bộ có hiệu quả thì trách nhiệm của người cầm lá phiếu cần phải khách quan, vô tư, công tâm, vì sự phát triển của đất nước chứ không vì cá nhân. Muốn một xã hội phát triển vững bền thì khi cầm lá phiếu phải có trọng trách. Chất lượng những lá phiếu tùy thuộc vào mỗi đại biểu. Đại biểu do chính cử tri bầu thì cử tri vẫn có quyền đòi hỏi ở đại biểu đó. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước sẽ ban hành quy chế giám sát hoạt động của cán bộ.

“Con người ai không tránh khỏi lỗi lầm. Có thể ngày hôm qua lỗi lầm nhưng hôm nay đã sửa chữa. Ngày hôm qua lỗi lầm mà hôm nay cũng lỗi lầm thì không ra gì. Tôi hy vọng rằng, các vị Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân đừng để mất lòng nhân dân. Chúng tôi nói ở đây là nói cho người khác nhưng cũng là nói cho mình”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Về lợi ích nhóm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đi đâu ông cũng nghe bà con cử tri hỏi. “Nghe thì đơn giản, trả lời thì cực kỳ khó nhưng phải trả lời. Nói ngay thì kết quả không hài lòng. Kết quả chưa nhiều lắm nên xin phép chưa trả lời”, Chủ tịch nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho biết, năm 2013, việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp rất quan trọng nên Chủ tịch mong muốn cử tri quan tâm, đóng góp.

Công Quang