Nhọc nhằn chuyến tàu ngày lễ

(Dân trí) - Chen lấn giữa “biển người” đông đúc, khó khăn lắm tôi mới mua được tấm vé tàu về quê trong ngày nghỉ lễ 30/4. Chặng đường về nhà như xa xôi hơn khi tôi cũng như nhiều người khác phải đứng mỏi chân trên những lối ra vào, nơi kết nối giữa hai toa tàu.

Sân ga Huế chưa đến 5h sáng nhưng từng dòng người với tư trang, hành lý nườm nượp đổ về, đứng ken kín khắp nơi. Khi tàu còn chưa chuyển bánh, nhìn thấy cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau nhiều người đã ngao ngán quay lại phòng nhân viên để trả vé ra về.

Đến 6h30 chuyến tàu ĐH 42 (Huế - Đồng Hới) mới bắt đầu xuất phát. Hành khách, chủ yếu là sinh viên đã ngồi chật chỗ từ trước. Mỗi hàng ghế phải nhồi nhét 4-5 người trong khi ngày thường chỉ có 2-3 người/ghế.

Sau một hồi cuốc bộ từ đầu đến gần cuối đoàn tàu, tôi và một người bạn cũng tìm được chỗ để chen chân vào. Hai chúng tôi phải nắm tay nhau rẽ giữa dòng người đang cố tìm cách lách lên tàu. Phía trong toa, kẻ đứng người ngồi la liệt khắp lối. Ngay cả sàn tàu cũng không còn chỗ trống. Với vẻ mặt thất vọng, anh bạn tôi lắc đầu nói đùa: “Chắc kiểu này ra phòng vệ sinh ngồi còn thoải mái hơn nhiều”.
 
Nhọc nhằn chuyến tàu ngày lễ - 1
Tàu đông nghịt hành khách

Nhưng rồi dù tàu có chật, khách có đông tới mức nào thì giống như mọi người khác, tôi và anh bạn cũng phải gắng chịu đựng để được về nhà. Chúng tôi đứng ngay trên lối đi ra vào của toa tàu cùng nhiều người khác. Con tàu lắc lư chuyển bánh bắt đầu cuộc hành trình.

Đến ga thứ hai, thứ ba rồi thứ tư mà con tàu vẫn đông nghịt người, không có ai xuống ở những ga gần. Thỉnh thoảng con tàu lắc lư chao đảo, những tiếng la hét bất chợt ré lên ở đâu đó. Người thì đau do bị dẫm vào chân, người thì ngã dúi nhào hay đập đầu vào hàng ghế ngồi. Khổ nhất là các cụ già, em nhỏ, hoảng hồn khi từng đợt sóng người dồn đẩy vào nhau.

Gần hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi và anh bạn của mình đã cảm thấy đôi chân tê dại. Trời nắng nóng như thiêu đốt cộng với hơi người bốc lên khiến ai nấy đều mệt nhọc. Chẳng ai nói với nhau lời nào, mọi người vẫn nhẫn nại cầu mong đoàn tàu chạy nhanh hơn.

Đến ga Mỹ Chánh (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chuyến tàu chợ ĐH 42 dừng lại, tránh tàu. Nhiều người chịu không nổi không khí bức bối, ngột ngạt trên tàu, nhảy xuống ngồi la liệt dưới bóng cây, trên đường sắt.

Thi thoảng lại có một người bị ngất xỉu được nhân viên đường sắt đưa xuống tàu, ngồi quạt mát. Dường như đã quá quen với những tình huống như thế, anh  Dương Hùng, một nhân viên đường sắt ca thán với tôi: “Đúng là phận tàu chợ. Những ngày lễ lớn trong năm trên tàu còn đông khách, chật chội hơn thế này nữa”.
 
Nhọc nhằn chuyến tàu ngày lễ - 2
Ngồi vật vạ trên bậc lên xuống tàu

Còi tàu hú lên inh ỏi báo hiệu hành trình chuyển bánh, từng đoàn người lại mệt nhọc bước chân lên tàu tiếp tục đứng trong cảnh chen lấn, xô đẩy. Ở toa tàu kết nối với đầu toa máy kéo được đặt một máy phát nổ công sất lớn, hơi khói khét lẹt của xăng dầu máy móc tỏa ra khiến nhiều hành khách khổ sở bịt kín mặt mũi. Nhiều người chịu hết nổi, nôn thóc nôn tháo.

Mỗi lần tàu chợ dừng lại ở ga nào đó, không những hành khách xuống tàu vui mừng rạng rỡ như thoát khỏi chuyến đi hãi hùng mà người đang tiếp tục đứng cũng được vui lây, bởi thời gian sắp được ngồi vào ghế đang  chạm đến rất gần.

Tàu tới ga Đông Hà đồng hồ đã điểm đúng 10h, hành khách xuống hơn quá nữa. Vậy là gần 4 giờ liền, tôi và những người hành khách cùng đứng nơi đầu toa tàu mới thở phào nhẹ nhõm, chọn cho mình một chỗ ngồi yên vị, mong mau chóng trở về nhà.

Hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại những chuyến tàu khổ sỡ như vậy nữa.                                                                       
 
T. Tuấn