Nhớ những ngày cả làng mổ bò mừng đất nước độc lập

(Dân trí) - “Đó thực sự là những ngày đặc biệt nhất trong đời tôi. Cả làng mở hội ăn mừng, mổ con bò to nhất để khao dân. Người ta nói, người ta cười, họ bảo nhau rằng chính quyền đã về tay ta, đất nước ta độc lập, chúng ta được tự do…”.

 

ba-vuong-thi-em-16082015-e95bf

Bà Vương Thị Em kể lại câu chuyện cùng cha chồng và các thành viên trong gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Hưng Châu – mảnh đất trù phú nằm bên bờ sông Lam hiền hòa thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Nơi đây, 70 năm về trước là một trong những lá cờ đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Lúc đó, cùng với Sơn Hải, Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) và xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, Nam Đàn), Hưng Châu (thuộc phủ Hưng Nguyên) là 4 địa phương giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An. Những ngày dậy lửa đấu tranh ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người già nơi đây.

Chúng tôi tìm về thôn Châu Sơn thuộc làng Phúc Mỹ (Hưng Châu) - nơi có nhà ông Hoàng Viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Căn nhà gỗ trầm mặc tựa lưng vào núi Nhón. Đây đã từng là trụ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ trong giai đoạn 1930-1931. Cũng chính tại nơi đây, báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân.

Căn nhà nhỏ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật phục vụ cách mạng những ngày non trẻ. Cảnh vẫn vậy nhưng vợ chồng ông Hoàng Viện đã thành người thiên cổ. Câu chuyện những ngày sục sôi khí thế đấu tranh cách mạng, giành chính quyền được tái hiện lại qua câu chuyện của bà Vương Thị Em – người con dâu cả của ông Hoàng Viện.

 

nha-ong-hoang-vien-16082015-f3606

Căn nhà ông Hoàng Viện nhường cho cán bộ cốt cán của Xứ ủy Trung Kỳ và Việt Minh ở trong thời gian hoạt động bí mật để lãnh đạo phong trào cách mạng nơi đây.

Bà Em năm nay 95 tuổi, vẫn còn tinh anh lắm. Bỏm bẻm nhai trầu, thỉnh thoảng đưa tay quệt những sợi “chỉ” quanh miệng, kể: “17 tuổi, tôi về đây làm dâu. Thầy tôi (ông Hoàng Viện – PV) là một người nghiêm khắc, trông to tợn nhưng rất hiền. Thầy theo cách mạng từ rất sớm và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930”.

Nhà ông Hoàng Viên thuộc diện có của ăn, của để trong làng bởi nhiều ruộng, nhiều trâu bò. Những năm cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, đây đã là cơ sở hoạt động bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ. Những bản truyền đơn, những tờ báo kêu gọi đấu tranh được in ấn ngay tại đây rồi chuyển đi khắp nơi. Có lần, lính Pháp về lùng sục, hàng nghìn bản truyền đơn chưa kịp chuyển đi cùng với những máy móc phục vụ việc in ấn phải nhấn xuống sông Lam để phi tang.

“Tôi về làm dâu, thỉnh thoảng thấy thầy dẫn nhiều người lạ về. Họ đóng cửa họp kín với nhau rồi thay nhau in tài liệu. Thầy chỉ dặn chúng tôi lo cơm nước, giặt giũ cho khách, cấm bén mảng đến nhà trên. Sau này chúng tôi mới biết những vị khách đó là ông Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), ông Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Bùi San, Trần Quỳ, Trần Văn Quang (nguyên cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ…”, bà Em kể tiếp.

Càng ngày, càng có nhiều người lạ tìm đến nhà. Nhiều khi, chồng bà Em (ông Hoàng Liện) cùng những người khác phải ra đường lớn để đón. Những vị khách đều buộc chiếc khăn trắng vào cổ để làm ám hiệu “phe mình”. Những cuộc họp căng thẳng diễn ra ngay tại căn nhà này. Có khi họ họp liền mấy ngày, tiếng nói nhỏ chỉ đủ những người họp nghe được. Không hiểu là chuyện gì nhưng bà Em mơ hồ nhận thấy, dường như sắp có một sự thay đổi lớn xảy ra.

Theo cụ Nguyễn Đức Kim – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Châu, ngày 17/8, Ban vận động Việt Minh họp tại nhà ông Hoàng Viện, lên kế hoạch biểu tình, đấu tranh giành chính quyền theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập UBND cách mạng ở làng… không câu nệ làng trước hay huyện trước”. Dưới sự chỉ đạo của Ban vận động Việt Minh, ngày 18/8, nhân dân Phúc Mỹ cùng nhân dân các địa phương lân cận xuống đường biểu tình, thị uy.

Từ khắp các ngã đường, người dân ùn ùn cầm theo cuốc, liềm, gậy gộc cùng với cờ đỏ búa liềm kéo đến trụ sở hành chính của chế độ phong kiến. Khí thế như vũ bão, như sóng cuộn. Những người biểu tình hét vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm!, Đả đảo phát xít Nhật!, Ủng hộ Việt Minh…

Trước khí thế sục sôi cách mạng của người dân, bọn phong kiến tay sai không làm gì được phải rút chạy. Đồn lính Nhật đóng gần đó cũng phải chịu bó tay trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Ngày 18/8, chính quyền về tay nhân dân Hưng Châu, Ửy ban Cách mạng lâm thời được thành lập.

“Đó thực sự là những ngày đặc biệt nhất trong đời tôi. Cả làng mở hội ăn mừng, mổ con bò to nhất để khao dân. Người ta nói, người ta cười, họ bảo nhau rằng chính quyền đã về tay ta, đất nước ta độc lập, chúng ta được tự do, dân cày như chúng ta sẽ có ruộng đất rồi chúng ta sẽ có cơm no, áo ấm, con cái sẽ được học hành…”, bà Em hồ hởi nhớ lại.

 

ang-to-quoc-ghi-cong-gia-dinh-ong-hoang-vien-16082015-cfb6f

Với những đóng góp vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, gia đình bà Hoàng Thị Viện (vợ ông Hoàng Viện) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công trong khắp cả nước. Lịch sử dân tộc bước sang một trang mới nhưng người dân Nghệ An nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung phải trải qua một cuộc trường chinh dài đến 30 năm sau mới đi đến được thằng lợi hoàn toàn. Rất tiếc, ông Hoàng Viện – người đã hiến cả nhà mình đang ở, đã bao bọc, chở che những lãnh đạo cốt cán của Xứ ủy Trung Kỳ, người đã dốc lúa, dốc ngô cứu đói cho nhân dân trong nạn đói Ất Dậu đã không đợi được đến ngày đó, ông mất vào năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra khốc liệt nhất.

Căn nhà của ông Hoàng Viện sau đó được trao lại cho vợ chồng người con trai cả trông coi. Năm 1991, với đóng góp cho cách mạng trong giai đoạn 1930-1931, 1940-1945, ngôi nhà của ông Hoàng Viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi nhà gỗ sau này đã được phục dựng nguyên trạng và bàn giao cho cháu đích tôn là ông Hoàng Văn Thước trông coi, quản lý. Do thiếu kinh phí cũng như kinh nghiệm quản lý, nhiều hiện vật quý phục vụ cho hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ ngày trước đã bị mai một, nhiều tư liệu, ảnh quý đã bị hỏng, chất đống trong nỗi xót xa, trăn trở của người thân ông Hoàng Viện và những người tâm huyết.

Hoàng Lam