Bạn đọc viết:

Nhìn cảnh, chạnh lòng về... một thời xa vắng

(Dân trí) - Hồi 6 năm trước tôi cũng giống như những người đang xếp hàng chờ được cấp thị thực trước cổng ĐSQ Séc, đợt tôi xếp hàng thì ôi thôi trông nhếch nhác lắm. Ai đâu ngờ giờ mà vẫn để cảnh của... "thời xa vắng" đó giữa Thủ đô?

Nhìn cảnh, chạnh lòng về... một thời xa vắng
Cảnh phim: Dàn diễn viên VN tham gia quay “Hai phía chân trời” tại thành phố Praha, CH Czech hồi tháng 4/2012

 

Ngày vui ngắn chẳng tày gang
 
Vất vả chen lấn cuối cùng cũng được tấm visa, háo hức đến ngay xuất cảnh, bỏ lại vợ trẻ con thơ và mẹ già, quyết tâm sang phương trời mới với ý tưởng làm giàu mong có thể giúp gia đình đổi đời. Chắc chắn không chỉ riêng mình tôi mà còn có khá nhiều anh chị em đi những năm 2007 - 2008 có ý nghĩ về đất nước mình sắp đặt chân tới là sẽ có những tòa nhà cao vút, cuộc sống hiện đại, sung sướng...

 

Nhưng không, chỉ một số ít có người nhà ở những thành phố lớn như Praha, Karlovy Vary hay Cheb, còn đâu hầu như nơi tới đều ở các vùng hẻo lánh xa xôi hẻo lánh, giống như làng quê ở VN đó...  Một số người Việt ở Séc lâu năm nói rằng những năm 2006 trở về trước, Cộng hòa Séc là một đất nước có thể nói là “mưa vàng” cho dân VN làm ăn sinh sống tại đây.

 

Tới 2008 mở màn cho thời kỳ u ám có thể nói là với toàn thế giới khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu. Từ một người bán hàng thuê ở chợ công việc ổn định, thay vào đó tôi phải đi làm cho 1 nhà máy điện ôtô tại Plzen. Công việc ca kíp nặng nhọc vất vả hơn,  song cũng có những lúc được tăng ca làm thêm thì mệt nhưng vui vì còn kiếm thêm được thu nhập. Vì vậy đồng lương, thu nhập cũng tạm đủ để chi trả các chi phí nhà cửa, ăn uống và giấy tờ bảo hiểm, còn lại gửi về gia đình. Đến tháng 7 năm 2008, khủng hoảng kinh tế càng nặng nề thêm, các nhà máy bắt đầu giảm nhu cầu về nhân lực và những người ra đi đầu tiên là người VN. Chỉ số ít được ở lại, nhưng bạn bè quen biết trong nhà máy lại mỗi người 1 phương để kiếm sống. Tệ nạn bắt đầu xảy ra nhiều hơn, trong đó có cả những vụ do dân VN gây ra do đói làm liều, khiến những hình ảnh tốt đẹp trong các bạn Séc về người VN dần bị phai mờ...

 

Tôi may mắn xin vào được 1 chân làm thuốc lá "lậu" trong 8 ngày, được trả lương 1000 € (gần 30tr vnd). Đúng là tiền nhiều thật đấy nhưng ai đã từng làm thì mới biết vất vả thế nào. Mình là "ma" mới nên toàn bị "ma" cũ đì cho... thôi rồi!!! Sáng sớm 5h dậy nấu cơm cho bọn họ ăn, khổ nhất là xương không được chặt (vì sợ gây tiếng ồn) phải lấy kéo mà cắt... Ăn uống xong, dọn dẹp rửa bát nghỉ được 10 phút là bắt đầu công việc. Một mình bóc 35 thùng (thuốc lá) sợi, mỗi thùng 60 kg, tổng cộng 2.100kg. Phải bê ra máy làm mẹt vãi, sau đó thì cầm bồ cào cào cho tơi thuốc, xúc vào 2 sọt, bê lên máy cao tầm 2m, đổ vào và chạy ra đóng hộp thuốc xếp cao quá đầu mình. Rồi dùng xe nâng tay đẩy vào phòng để riêng khi hoàn thiện, mỗi xe hoàn thiện mình ước tính phải tầm 100kg.

 

Nhiều lúc mệt nhừ cả người, vít xe xuống mà nó chả xuống. Có lúc thiếu ngủ quá còn ngủ quên, giật mình tỉnh giấc lại đi xúc sợi. Tối 6h được nghỉ, mình lại quay về làm đầu bếp phục vụ mấy "ma" cũ. Chỉ được cái là ăn uống trong này được phục vụ tiêu chuẩn 3 sao, thích ăn gì, uống gì, hút thuốc xịn nhất đều được đáp ứng. Mỗi tội nội bất xuất, ngoại bất nhập. Toàn bộ xưởng bịt kín từ trong ra ngoài, trong suốt 8 ngày không nhìn thấy ánh sáng mặt trời chiếu vào xưởng. Ban đêm thì xong việc cũng tránh ra ngoài để phòng nguy cơ chỉ đường cho police.
 
Ra đi để lại trở về

 

Sau thời gian này mình cũng đến thời hạn cấp visa mới tại Séc và có thể tự do đi lại 36 nước Châu Âu. Điểm đến mình chọn là CHLB Đức. Giấy tờ thì thực tế chỉ được làm việc tại Séc thôi, nên đi dưới dạng nước khác trong khối EU đi du lịch. Còn hầu như làm chui dạng bất hợp pháp, nếu bị bắt thì  sẽ bị trục xuất về Séc, bị cấm 5 năm mới rồi mới lại được vào nước họ. Mình chọn nghề trông trẻ vì tiếng không biết, người quen thì không. Loanh quanh ở khu chợ người Việt, may mình xin vào được nhà 1 người VN vợ chồng làm hàng ăn nên đi suốt. Do có kinh nghiệm trước đã chăm con nên trông hai bé cũng không khó khăn gì với mình, lương 400€.
 
Nhìn cảnh, chạnh lòng về... một thời xa vắng
Ngoài đời: Người dân chờ đợi làm thủ tục xin cấp thị thực tại ĐSQ Cộng hoà Séc tại Hà Nội (ảnh: Trọng Trinh)

 

Làm được 7 tháng mình bắt đầu thấy chán, muốn tìm công việc lương cao hơn nên điểm đến tiếp theo là thành phố Munchen. Thời gian đến với TP mới thực sự là những ngày mình sống trong bất an và lo sợ. Sợ polizai bắt, lo bị trục xuất vì không có giấy tờ nên không đâu nhận mình cả. Chỉ có những người Việt nhận làm việc nhặt rau trong các kho hàng dưới hầm, nhưng với đồng lương 20€ mỗi ngày mà công việc không phải lúc nào cũng có. Rồi mình đổi sang đi rải báo, đến khu nào bấm chuông mà họ mở cửa thì ngon, còn có chỗ bấm hết nhà này đến nhà khác họ không mở cửa mà còn mắng mình nữa ý chứ. Chán nản, đầu óc căng thẳng, không còn thiết tha gì nữa.
 
Đặt vé về VN thôi! Thế là mình dành thời gian còn lại vài ngày thăm thú thành phố cho khuây khỏa đầu óc, sau đó về VN sinh sống cho tới ngày hôm nay. Công việc cũng hòm hòm tại HN với mức thu nhập lái xe thuê 6 triệu đ/ 1 tháng nhưng cảm thấy đầu óc thảnh thơi, vui vẻ hơn nhiều khi không phải xa nhà , xa gia đình bé nhỏ...

 

Bài viết này chỉ để mọi người tham khảo, viết riêng về bản thân tôi và cuộc sống tôi trải qua bên Séc và Đức. Rất nhiều người còn vất vả hơn tôi nhiều nữa, nhưng vì nhiều lý do trong cuộc sống như sĩ diện hoặc nợ nần chồng chất... nên không thành công cũng không dám về mà cố bám trụ lại. Mong mọi người suy nghĩ kỹ trước khi đưa con em mình ra 1 thế giới mới xa lạ tưởng có thể đổi đời?
 
Nói chung theo kinh nghiệm của tôi, ai có người nhà bên đó thì có thể là tuyệt vời. Còn thân cô thế cô, tiếng không biết thì suy nghĩ lại đi nhé! Bài này tôi viết hoàn toàn là sự thật về những ngày tháng sống bên nước bạn, mong quý báo có thể sửa chữa và đăng để cho bà con Việt mình biết mà quyết định cho tương lai con cháu, tránh việc nhiều người sang đến nơi rồi vỡ mộng.
 
Thân ái kính chúc quý báo ngày càng phát triển, để có thêm tiếng nói giúp cho bà con cộng đồng nước ngoài luôn biết được những bản tin thời sự nóng hổi tại VN.

 

Thế Anh