Nhiều ý kiến quanh 2 phương án giải quyết vụ Phú Mỹ Hưng

(Dân trí) - Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM vừa đề xuất 2 phương án tham mưu cho UBND TP giải quyết vụ tranh chấp đóng tiền sử dụng đất tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH). Tuy nhiên, cư dân PMH vẫn chưa tỏ ra đồng tình.

Nhiều ý kiến quanh 2 phương án giải quyết vụ Phú Mỹ Hưng - 1
Vụ tranh chấp giữa cư dân và PMH ngày càng quyết liệt khi công ty quyết “trốn” khách hàng.

Theo tham mưu của Sở TNMT, phương án 1 là PMH sẽ đóng tiền sử dụng đất (SDĐ), sau đó tự cộng số tiền này vào giá thành sản phẩm bất động sản bán cho khách hàng. Phương án 2 là PMH không đóng tiền SDĐ, khi khách hàng muốn sử dụng đất lâu dài thì làm thủ tục và đóng tiền SDĐ để nhà nước giao đất.

Điểm quan trọng nhất trong cả 2 phương án trên là số tiền SDĐ mà PMH (hoặc khách hàng của PMH) phải trả chỉ là 30%.

Bởi theo Sở TNMT, nếu được thuê đất 70 năm cũng xem như là giao đất lâu dài, nay PHM đã đóng tiền thuê đất 50 năm, như vậy cũng tương đương 70% tiền sử dụng đất. Nay đề xuất chỉ phải đóng thêm 30% là hoàn thành nghĩa vụ tài chính để được giao đất.

Theo Sở thì mức thu 30% chỉ áp dụng cho những trường hợp tính tiền SDĐ theo mức giá trong năm 2009, còn các trường hợp trước đó thì không. Tuy nhiên, phương án này vượt quá quyền hạn của UBND TPHCM, Sở đề nghị TP có văn bản gửi Trung ương xem xét giải quyết.

Đông đảo cư dân PMH đồng tình với phương án 1, vì mục tiêu đấu tranh lâu nay của họ là xác định đối tượng phải đóng tiền SDĐ là công ty PMH. Một khách hàng cho rằng: “Đây là điều đương nhiên PMH phải thực hiện đã được pháp luật qui định đối với công ty liên doanh với nước ngoài khi đầu tư vào dự án xây dựng nhà bán, cho thuê”.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở TNMT cho là phương án này rất khó được PMH chấp nhận. Vì số tiền ban đầu họ đóng để thuê đất trong 50 năm vào thời điểm đó là rất lớn, họ lại bỏ tiền ra đầu tư xây dựng hạ tầng nên PMH mới có diện mạo như hôm nay, đất PMH mới có giá như hiện nay. Và quan điểm của lãnh đạo PMH lâu nay vẫn là khách hàng đóng tiền SDĐ, điều này đã ghi rõ trong hợp đồng giữa PMH và khách hàng.

Còn phương án 2 thì cư dân PMH phản ứng kịch liệt, dù cho họ được đề xuất chỉ phải đóng 30%. Một cư dân PMH cho biết: “Toàn bộ phương án 2 vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Pháp luật không cho phép bất kỳ tổ chức nào có quyền đầu tư xây dựng nhà ở để bán mà không đóng tiền SDĐ”.

Một cư dân khác cho rằng: “Nếu người mua đóng tiền SDĐ dù chỉ 30% thì dựa theo qui định nào của pháp luật? Cần nêu rõ để người dân thi hành một cách tâm phục, khẩu phục. Còn nếu bắt buộc người mua đóng tiền SDĐ bằng cách ra Quyết định trái pháp luật từ cơ quan nhà nước thì tuyệt đối không nên làm”.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM thì cho là phương án này không có cơ sở pháp lý. Vì theo Quyết định 112/2002/QĐ-UB ngày 8/10/2002 của UBND TPHCM về việc ban hành Quy định cơ chế và phương thức kinh doanh của Công ty Liên doanh PMH thì PMH có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất của khách hàng và đóng cho Nhà nước, tiền này có thể quy vào giá thành.

Tùng Nguyên