ĐBSCL:

Nhiều tỉnh vừa ăn tết, vừa... chống mặn

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu… cũng chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó tình huống xâm nhập mặn.

Tại các tỉnh ĐBSCL hiện đã có 8/13 tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, và Hậu Giang) bị mặn xâm nhập. Trước tình hình xâm nhập mặn, trong vụ lúa đông xuân này, ĐBSCL chỉ xuống giống 1,5 triệu ha, giảm khoảng 100 ngàn ha. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL ước đạt khoảng 11 triệu tấn lúa, chỉ giảm 600 ngàn tấn lúa, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu lúa gạo của nước ta.

Tại Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Hiện tại, xâm nhập mặn trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 01/2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.

Nhiều tỉnh vừa ăn tết, vừa... chống mặn - 1

Trong số 8 tỉnh bị nước mặn xâm nhập, tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn

Để thực hiện tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị ngày 03/01 về triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.

Tổ chức vận hành ngay phương án ứng phó xâm nhập mặn theo kịch bản hai (Rủi ro thiên tai cấp độ hai), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn theo thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt lưu ý huy động các loại phương tiện như: xe bồn, xà lan, ghe, các phương tiện chuyên dùng khác để vận chuyển nước phục vụ các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn,…Đồng thời, triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi.

Nhiều tỉnh vừa ăn tết, vừa... chống mặn - 2

Trước Tết, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi thị sát quá trình xây dựng các công trình điều tiết mặn, ngọt và phương án phòng chống hạn mặn trong những tháng cao điểm mùa khô 2020, trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Tiền Giang.

Còn tại Kiên Giang, theo dự báo từ Trung ương, lượng nước đầu nguồn sông Cửu Long về các tỉnh ĐBSCL giảm từ 20 - 30%, từ đó kéo theo tình hình xâm nhập mặn sẽ gay gắt và kéo dài, vì thế Kiên Giang đã chủ động đắp 173 cái đập tạm trữ nước phục vụ vụ lúa đông xuân nên đến thời điểm hiện tại chưa ảnh hưởng gì đến ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết: “Trước dự báo tình hình diễn ra gay gắt từ các cơ quan chức năng Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo sát xao cho Ban chỉ đạo an toàn nước phối hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra lại tất cả các tuyến kênh, nguồn nước… đến thời điểm hiện tại, hệ thống cống đê biển từ Kiên Lương đến Rạch Giá, Kiên Giang chủ động khép kín để điều tiết, phục vụ sản xuất vụ đông xuân và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tình hình mặn chưa ảnh hưởng gì đến sản xuất và đời sống người dân”.

Nhiều tỉnh vừa ăn tết, vừa... chống mặn - 3

Hiện nhiều tỉnh ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cống, đập ngăn mặn để trữ nước ngọt và điều tiết hệ thống nước phục vụ sản xuất cho vụ lúa đông xuân, vườn cây ăn trái, hoa kiểng...

Trước tình hình hạn mặn diễn biến còn gay gắt, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo trước, trong và sau ngày nghỉ Tết Nguyên đán bố trí lực lượng túc trực 24/24, kiểm tra hạn mặn, phòng chống cháy rừng để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có sự việc xảy ra.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, so với mùa khô năm 2015-2016, mùa khô năm nay về thời tiết, dự báo diễn biến bình thường không gay gắt bằng; về nguồn nước ngọt, sẽ thiếu tương đương. Do đó, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016.

Tại An Giang, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, xuống giống trên 214.000ha. Qua số liệu quan trắc mực nước trên các sông, kênh trên địa bàn tỉnh, tình hình hạn mặn chưa ảnh hưởng gì đến vụ lúa đông xuân; Tuy nhiên, do tình hình nắng nóng, một số nơi xảy ra khô hạn và ảnh hưởng trên 9.000ha tập trung ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Công tác phòng chống cháy rừng cũng được các ngành chức năng bố trí lực lượng túc trực, trang bị dụng cụ, sẵn sàng ứng phó nếu có cháy rừng xảy ra.

Nguyễn Hành