Nhiều người thất nghiệp ngỡ ngàng vì không được trợ cấp

(Dân trí) - Nghe thông tin về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị Mai đến nộp hồ sơ mong thoát cảnh túng quẫn. Chưa kịp mừng, chị ngỡ ngàng khi cán bộ hướng dẫn cho biết, chị không đủ điều kiện hưởng trợ cấp vì doanh nghiệp cũ còn nợ tiền bảo hiểm trong năm.

 
 
Nhiều người thất nghiệp ngỡ ngàng vì không được trợ cấp - 1
Nhiều người thất nghiệp ngỡ ngàng khi biết mình không đủ điều kiện hưởng trợ cấp (Ảnh: T.Trầm)

 

Những ngày qua, không ít trường hợp người lao động mất việc không được hưởng trợ cấp do nơi làm việc còn nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp trong năm như chị Vũ Thị Mai, một công nhân mất việc từng làm tại một công ty TNHH chuyên sản xuất đồ nhựa, đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm.

 

“Biết tin về chính sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vội vã tìm đến cơ sở tiếp nhận hồ sơ đăng ký thất nghiệp để nộp đơn, nhưng sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ hướng dẫn cho biết, tôi không đủ điệu kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, do nơi làm việc còn nợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong năm”, chị Mai chua xót kể.

 

Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Từ khi bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đến nay, mỗi ngày, phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm cũng chỉ đón tiếp 3-5 trường hợp đến đăng ký thủ tục.

 

Chị Nguyễn Thanh Mai, cán bộ phòng cho biết, đa số các trường hợp tìm đến cũng vẫn chưa nắm rõ quy định về chế độ, có người tự ý thôi việc mà không báo với cơ quan, nên cũng không có đủ giấy tờ chứng nhận cần thiết.

 

Lãnh đạo Trung tâm này khẳng định, hiện trạng thưa thớt hồ sơ đến đăng ký thất nghiệp là bởi không ít người lao động còn chưa nắm rõ thông tin. Cùng đó không ít cơ quan trên địa bàn Hà Nội còn nợ đóng BHTN trong năm, nên người lao động ở đó cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Nửa đầu năm 2009, do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên Chính phủ đã cho phép  chậm nộp 1% quỹ tiền lương, tiền BHTN và 1% phí công đoàn đến cuối năm. Tuy nhiên đến hết năm, không ít doanh nghiệp vẫn nợ đọng, dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp chịu thiệt thòi.

 

Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐTB& XH nhận xét: “Số lượng người đến làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước vẫn còn quá chậm và ít, mặc dù các cơ sở làm thủ tục đều sẵn sàng. Rất nhiều người còn chưa biết đến chính sách mới và cũng không ít trường hợp không đủ hồ sơ. Sắp tới, Cục sẽ trình lãnh đạo Bộ LĐTB& XH các quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp để các địa phương và doanh nghiệp căn cứ thực hiện”.

 

Ông Lê Quang Trung cho biết, theo báo cáo mới nhất, cả nước mới chỉ có 2.332 người lao động đến các cơ sở thực hiện thủ tục bảo hiểm thất nghiệp để đăng ký. Trong đó, có 280 người nộp hồ sơ để làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Đứng đầu bảng về lượng người đăng ký làm thủ tục là TPHCM với 1.435 người (chiếm 61,53% cả nước). Bình Dương là tỉnh có lượng người nộp hồ sơ để chuẩn bị làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp nhiều nhất với 154 người, chiếm 39,3%.

 

Đầu năm 2009, do khủng hoảng kinh tế, cả nước có khoảng 300.000-400.000 người lao động mất việc làm. Tuy nhiên đến cuối năm 2009, chỉ có 173.000 lao động thuộc cả khối các doanh nghiệp và làng nghề bị mất việc, trong đó các doanh nghiệp là 133.000 lao động.

 

 

P. Thanh