1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều người đang rất muốn... nghèo!

(Dân trí) - “Hiện nay, một số hộ nghèo còn giấu nguồn thu nhập nên đi kê khai rất khó. Thậm chí tâm lý một số hộ hiện nay đang rất muốn mình nghèo để được đầu tư”, đại biểu Khúc Thị Duyền nói.

Chiều 4/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đề cập đến chương trình giảm nghèo, đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình) cho rằng không nên xác định hộ nghèo chỉ dựa vào nguồn thu nhập. Bởi hiện nay, một số hộ nghèo còn giấu nguồn thu nhập nên đi kê khai rất khó. Thậm chí tâm lý một số hộ hiện nay đang rất muốn... mình nghèo để nhận được sự đầu tư.

Đại biểu Khúc Thị Duyền cho rằng nhiều hộ nghèo giấu nguồn thu nhập nên khó kê khai
Đại biểu Khúc Thị Duyền cho rằng nhiều hộ nghèo giấu nguồn thu nhập nên khó kê khai

Vì vậy, đại biểu đề nghị giảm sự hỗ trợ bằng tiền, tăng nguồn vốn vay, hỗ trợ về học nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, cũng như tạo sự công bằng. Theo nữ đại biểu, cần phải rà soát lại các hạng mục về chương trình đầu tư, về chương trình giảm nghèo, đặc biệt là những công trình thật cần thiết mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Để tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả, đại biểu Duyền cho rằng, không nhất thiết huyện nào cũng phải xây dựng một trung tâm dạy nghề lớn trong khi dân cư rất ít, thưa thớt. Nhiều trường mở ra đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ có vài học sinh.

Đánh giá về chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nói: “Thủ tục thì hết sức rườm rà, phải xin, phải chạy...”.

Đại biểu Thuyền còn cho rằng, chi phí hành chính trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng quá lớn. Mỗi chương trình đều có chi phí, có ban quản lý, gây lãng phí rất nhiều nguồn lực.

Đề cập đến chương trình xóa đói giảm nghèo, theo đại biểu Thuyền không nên đánh đồng các hạn nghèo mà phải phân biệt rõ thành các đối tượng khác nhau. Trong đó có những loại “nghèo bền vững” - đối tượng không thể thoát nghèo như người tàn tật, ốm đau, mồ côi, cô đơn, già cả. Đại biểu đề xuất tách các đối tượng đó ra để họ có thể hưởng chính sách xã hội.

Đại biểu cũng nhận thấy việc đầu tư cho người nghèo cần được nghiên cứu kỹ, xem nhu cầu người dân cần cái gì. Vì nhiều nơi cấp gà thì tất cả cùng nuôi gà, cấp dê thì tất cả cùng nuôi dê,... “Có người không cần bò, không cần dê vì họ không thể nuôi được nhưng mình cứ cấp đều”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chỉ rõ bất cập của chương trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, thực tế một nguyên nhân của nghèo đói là chi tiêu rất hoang phí. “Chúng ta hay giúp về một phía, một chiều. Giúp thế nào để có thể hết nghèo, làm giàu nhưng lại chưa quan tâm đến việc giúp để người ta biết tiết kiệm, biết chi tiêu hợp lý”, đại biểu Hòa nói và đề nghị bổ sung một nội dung hỗ trợ để cho người dân có kiến thức quản lý kinh tế gia đình.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) nhận thấy ở vùng đô thị, người nghèo muốn thoát nghèo bền vững thì chỉ có một cách là có việc làm. Nhưng thực tế người nghèo đô thị nhiều nơi không có tiền học nghề, không có chính sách hỗ trợ học nghề một cách bài bản và có bằng cấp để xin việc nên vẫn thất nghiệp.

Đối với vùng nông thôn nhất là những vùng đồng bào dân tộc, nếu không có việc làm phi nông nghiệp, họ rất cần 4 điều kiện là được định canh định cư ổn định, có đất, có vốn, có kỹ thuật thì mới thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, không tập trung nội dung xây dựng hạ tầng cơ sở mà phải tập trung để đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững. Đưa vào nội dung về các chương trình thực hiện định canh định cư, khai hoang đất sản xuất để có đất cho bà con, cùng với các chính sách khác về vay vốn hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn. Có như vậy các chương trình giảm nghèo ở đồng bào dân tộc vùng khó khăn mới có hiệu quả.

Quang Phong