Nhiều doanh nghiệp cung cấp hộp đen bị “sờ gáy”

(Dân trí) - Kiếm tra các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm hộp đen xe khách và tại các doanh nghiệp vận tải, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót trong việc lắp đặt hộp đen cũng như lỗi của thiết bị

Bộ GTVT từng kỳ vọng quy định bắt buộc phải lắp hộp đen cho xe khách sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho hoạt động vận tải. Thế nhưng, sau gần một năm chính thức triển khai, mục tiêu ấy dường như còn xa.

Đến nay, Bộ GTVT đã chính thức cấp giấy phép hợp quy cho 62 sản phẩm hộp đen theo bộ quy chuẩn QCVN31/2011/BGTVT. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt tại một số doanh nghiệp sản xuất cho thấy, không phải thiết bị nào được cấp giấy chứng nhận hợp qui cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo bộ qui chuẩn.
 
Nhiều doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà với việc lắp đặt hộp đen.
Nhiều doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà với việc lắp đặt hộp đen.

Ngày 16/4, Thanh tra Bộ GTVT kiểm tra tại công ty sản xuất hộp đen Skysoft đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, đơn vị này đã đăng ký với Bộ GTVT là đơn vị sản xuất lắp ráp trong nước nhưng thực tế kiểm tra lại không có xưởng sản xuất. Điều này cho thấy, Skysoft thực chất đã nhập khẩu thiết bị nhưng đội lốt sản xuất lắp ráp trong nước. Qua kiểm tra cho thấy, Skysoft đã nhập nguyên chiếc sản phẩm về rồi kết nối thêm dây và “hô biến” từ sản phẩm nhập khẩu thành sản xuất lắp ráp trong nước.

Trong buổi sáng 18/4, kiểm tra tại bến xe khách Mỹ Đình, đoàn Thanh tra Bộ GTVT cũng đã phát hiện 3 thiết bị của nhà cung cấp Skysoft không có dấu hợp quy, không trích xuất được dữ liệu đầy đủ, thậm chí rút nguồn điện nhưng đèn vẫn báo.

Cụ thể, thiết bị gắn trên xe khách 14N-5827 không có dấu hợp quy, không nhập được tên lái xe. Kiểm tra thiết bị lắp trên xe khách 36B-003.07, đoàn thanh tra còn phát hiện thiết bị của Skysoft không có màn hình theo mẫu đăng ký với Bộ GTVT. Kiểm tra một thiết bị khác của Skysoft, đoàn kiểm tra cũng phát hiện thiết bị không trích xuất được đầy đủ thông tin bắt buộc...

Đáng nói, đơn vị cung cấp thiết bị này lại cấp cho khách hàng của mình giấy chứng nhận hợp quy để họ hợp thức hóa các thiết bị của mình. Điều này đã khiến khách hàng của họ là các doanh nghiệp vận tải yên tâm cho rằng thiết bị của mình đã đạt chuẩn hoặc sử dụng giấy chứng nhận ấy để xin cấp giấy phép vận tải.

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT - cho hay: “Qua kiểm tra 7 nhà cung cấp và 10 doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị cho thấy, nhiều thiết bị lỗi cổng kết nối, hiển thị tín hiệu; thiết bị không có mục hướng dẫn nên lái xe không nắm được cách sử dụng và truy nhập thông tin… Đến nay, chúng tôi đã đề Bộ trưởng Bộ GTVT thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn với công ty Vạn Xuân do sản phẩm của đơn vị này không đáp ứng được các tiêu chí theo qui định.”

Cũng theo ông Sỹ, sau đợt kiểm tra này, Bộ GTVT sẽ công khai các nhà cung cấp uy tín để các doanh nghiệp vận tải biết. “Các thiết bị chưa trích xuất đầy đủ thông tin, sẽ phải bổ sung. Những nhà cung cấp và đơn vị thử nghiệm yếu kém, nhiều vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, thậm chí đề nghị rút giấy phép” - ông Thạch Như Sỹ cho biết thêm.

Thực tế trên thị trường hoặc vào các trang bán hàng trực tuyến, mọi người thấy rất nhiều các sản phẩm hộp đen được giao bán với chủng loại, chất lượng, giá cả khác nhau. Đặc biệt, các sản phẩm này chỉ thấy người bán nói tốt cho sản phẩm của mình mà chưa thấy sự đánh giá hay phản biện của người mua khiến thị trường này như bị lạc vào mê hồn trận. Hệ quả, nhiều doanh nghiệp vận tải đã mất rất nhiều tiền lắp đặt hộp đen nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả quản lý vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

Ánh Ngọc