Nhập “rác không tiêu hủy” dễ biến Việt Nam thành bãi thải của thế giới

(Dân trí) - Kim loại, hợp kim, nhựa, thủy tinh… phế liệu vẫn được đề xuất cho phép nhập khẩu. Quy định này trong dự luật Bảo vệ môi trường “vấp” nhiều băn khoăn, lo ngại của UB Thường vụ QH vì thứ “rác không tiêu hủy” này dễ biến Việt Nam thành bãi thải của thế giới.

Ngày 20/2, UB Thường vụ QH khai mạc phiên họp thứ 25, thảo luận về luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong lần đầu cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013, cơ quan soạn thảo hướng phạm vi điều chỉnh của luật vào quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy bao quát trách nhiệm của các tổ chức đối với bảo vệ môi trường, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 25 của UB Thường vụ QH (ảnh: TTXVN).
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 25 của UB Thường vụ QH (ảnh: TTXVN).

Về vấn đề nhập khẩu phế liệu, dự thảo luật lần này đã chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, quy định cụ thể “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa” yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu như tại Điều 78 “Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu; bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu nếu không Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cảnh báo, cần cân nhắc việc cho phép nhập phế liệu vì đó là nguồn nguyên liệu bỏ đi, các nước có trình độ khoa học cao hơn loại bỏ, không nên nhập lại. Ông Hiển chỉ rõ, dự thảo luật đưa ra danh mục nguyên liệu rất rộng, rất nhiều, kể cả những loại không thể tiêu hủy như sắt, thép, nhựa…

“Tôi cho rằng điều này cần cân nhắc, nếu không chúng ta thành bãi rác thải của thế giới” – ông Hiển nhắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng không phản đối việc cho phép nhập khẩu phế liệu nhưng đề nghị cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về yêu cầu đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư lớn có khả năng tác động xấu đến môi trường, UB KH-CN&MT tán thành quan điểm quy định 2 bước lập, đánh giá tác động môi trường. Cơ quan thẩm tra lập luận, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập đánh giá tác động môi trường thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

Dù đại đa số ủy viên Thường vụ tán thành hướng quy định này, vẫn có ý kiến cho cho rằng, đánh giá tác động môi trường 2 bước có thể dẫn đến sự phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém cho doanh nghiệp và đề nghị chỉ cần đánh giá một bước nhưng đảm bảo hiệu quả.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị phân cấp quy hoạch bảo vệ môi trường có 2 cấp - cấp quốc gia và tỉnh. Còn đánh giá tác động môi trường 2 bước, theo ông Hiền, nên thực hiện nghiêm đánh giá bước đầu, nếu không sẽ khó khăn sau này khi dự án đã triển khai đi vào sâu sẽ rất khó khi quyết định dừng, đình chỉ dự án.

Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề làm thế nào đánh giá được đúng tác động đối với môi trường còn không nên quy định để cho nhà nước quyền quá lớn, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư. Kinh nghiệm của các nước là làm sao kịp thời, hiệu quả nhất, tránh phải "đẻ" bộ máy cồng kềnh, tiêu hao nhân lực.

P.Thảo