1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Nhân viên gác bến phà thu tiền "không chịu" xé vé

(Dân trí) - Mặc dù có bảng vé, nhưng nhiều người khi đi qua cầu phao Bút Sơn và cầu phao Thắm đưa tiền nhưng không được nhân viên gác bến phà xé vé.

Hai bến phà Bút Sơn và phà Thắm nằm trên tuyến Quốc lộ 10, là điểm nối mạch giao thôngqua ba huyện là Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn. Đây là tuyến giao thông quan trọng thuộc mạng lưới đường giao thông phía Đông Bắc nối từ Thanh Hoá đi các tỉnh Ninh Bình, Nam Định. Từ nhiều năm nay, Công ty CP quản lí và xây dựng đường bộ 472 là đơn vị được Cục đường bộ, thuộc Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ quản lý hai bến phà trên.


Nhân viên bán vé thu phí bến phà Thắm và Bút Sơn thu tiền nhưng không xé vé

Kể từ khi Công ty này đứng ra quản lí hai bến phà này, phía Công ty đã cho lắp đặt và sửa chữa lại các hạng mục trên phà. Hàng năm có kế hoạch duy tu bảo dưỡng theo quy định để đảm bảo cho người tham gia giao thông khi qua đây. Mặt khác, phía Công ty này cũng đã cho lập các barie, bốt bán vé. 

Theo Thông tư liên Bộ Tài Chính, GTVT số 62 TT/LB ngày 23/7/1993 và Quyết định số 2838 ngày 5/9/2003 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì mức thu tiền vé cho phương tiện giao thông khi qua bến phà đường bộ quy định: Người đi bộ 500đ (mùa lũ 1.000đ), người và xe đạp 1.000đ (mùa lũ 1.500đ), người và xe máy 2.000đ (mùa lũ 3.000đ), xe con, xe công nông 5.000đ (mùa lũ 10.000đ), xe khách trên 30 ghế 20.000đ (mùa lũ 30.000đ), xe khách dưới 30 ghế 15.000 (mùa lũ 25.000đ), xe tải dưới 5 tấn 15.000đ (mùa lũ 20.000đ)…

Nhân viên bán vé tại bến phà Bút Sơn chỉ đứng ra thu tiền nhưng không xé vé.
Nhân viên bán vé tại bến phà Bút Sơn chỉ đứng ra thu tiền nhưng không xé vé.

Thời gian gần đây, nhiều người dân khi tham gia giao thông qua hai bến phà này rất bức xúc về thực trạng nhân viên bán vé khi thu tiền xong không chủ động xé vé. Nhiều người đặt ra câu hỏi, số tiền các nhân viên tại đây thu của mỗi phương tiện khi qua đây mà không xé vé, ai sẽ là người quản lí và sử dụng?

Trong vai một người tham gia giao thông đi qua bến phà Bút Sơn, khi chúng tôi điều khiển phương tiện đến gần bến phà thì một nhân viên bán vé tại đây đã dùng barie để chặn xe lại và thu số tiền là 2.000đ đối với một người và một xe máy.

Sau khi đã đóng tiền xong, xe chúng tôi mới được cho qua. Tuy nhiên, không thấy nhân viên xé vé, khi chúng tôi quay lại hỏi thì nhân viên thu phí tại đây mới gọi người xé vé và đưa cho hành khách.

Nhân viên bán vé tại bến phà Bút Sơn chỉ đứng ra thu tiền nhưng không xé vé.
Tại bến phà Thắm, các nhân viên tại đây cũng lập một barie để thu tiền người và phương tiện tham gia giao thông qua đây.

Theo ghi nhận của phóng viên thì có rất nhiều phương tiện giao thông khi đi qua bến phà này đều không được xé vé. Nhiều người hỏi vé thì các nhân viên tại đây mới xé vé đưa. Có nhiều người đã nhiều lần qua lại bến phà này cứ thấy nhân viên đứng ra thu tiền rồi cho qua nên cứ mỗi lần qua cũng không hỏi vé mà chỉ đóng tiền rồi qua.

Anh Bùi Anh Văn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc bức xúc: “Nhiều lần tôi đi qua đây thấy nhân viên ở bến phà này chỉ thu tiền xong rồi cho đi qua chứ chẳng thấy có vé gì. Tôi thấy nhiều người khi qua đây cũng bị thu tiền rồi cho đi qua chứ cũng không thấy có vé. Nhiều người hỏi vé thì nhân viên thu phí ở đây mới đưa chứ không thì họ cũng cho qua luôn”.

Không chỉ ở bến phà Bút Sơn mà ở bến phà Thắm cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các nhân viên ở bến phà này cũng thu tiền người và phương tiện tham gia giao thông khi qua đây nhưng không xé vé. Nhiều người dân bức xúc khi phải nộp tiền để qua phà nhưng không thấy nhân viên bến phà xé vé the quy định của Nhà nước.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Văn Quyến, Phó Giám đốc Công ty CP quản lí và xây dựng đường bộ 472 cho biết: “Theo nguyên tắc thì các nhân viên bán vé khi thu tiền và phải xé vé. Số tiền này sẽ được nộp vào kho bạc Nhà nước”.

Nhân viên bán vé tại bến phà Bút Sơn chỉ đứng ra thu tiền nhưng không xé vé.
Hàng ngày có đến cả trăm lượt người và phương tiện giao thông đi qua 2 bến phà này khiến cho số tiền thu được từ bán vé là rất lớn.

Khi phóng viên hỏi về việc các nhân viên tại hai bến phà trên chỉ thu tiền nhưng không hề xé vé, ông Quyến viện lí do là do người dân không lấy vé, nên các nhân viên tại đây cũng không xé vé đưa cho họ. “Số lượng vé và tiền tại hai bến phà này đã được Tổng cục đường bộ khoán cho Công ty hàng năm với số tiền là hơn 500 triệu đồng. Số tiền chênh lệch hàng năm cũng không đáng mấy”.

Theo ghi nhận của PV Dân trí thì hàng ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện giao thông đi qua hai bến phà này. Như vậy, theo như quy định thì số lượng vé bán ra để thu phí hàng ngày sẽ là rất lớn.

Trước đó, tại bến phà Thắm không chỉ phương tiện giao thông đường bộ bị thu tiền nhưng không được xé vé mà nhiều phương tiện đường thủy trên tuyến sông Lèn muốn được mở phà lưu thông trên sông thì phải nộp từ 10.000 - 100.000đ mới được qua.

Vào ngày 3/7/2012, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện và bắt quả tang 2 nhân viên của bến phà Thắm là Nguyễn Ngọc Quý (SN 1975, ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) và Lê Thanh Khiêm (SN 1961, ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) đang thu phí trái qui định của rất nhiều phương tiện giao thông thủy nội địa khi đi qua khu vực bến phà này.

Thái Sơn