Nha Trang nơm nớp chống bão

(Dân trí) - Dù bão số 9 được dự báo đi chếch về phía Nam nhưng Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn nơm nớp lo bởi bài học về trận lũ quét, sạt lở làm 20 người chết mới xảy ra cách đây ít ngày.

 

Nha Trang nơm nớp chống bão - Ảnh 1.

Người dân Nha Trang đổ xô lấy cát vào bao tải để chằng chống nhà cửa trước cơn bão số 9

 

Nha Trang lo sợ sạt lở đất, lũ ống...

Chiều 23/11, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết mặc dù bão số 9 dự báo đi chếch về phía Tây Nam nhưng rút kinh nghiệm từ trận lũ quét kinh hoàng xảy ra trên địa bàn khiến 20 người chết, địa phương vẫn giữ nguyên phương án di dời.

“Do hoàn lưu bão và lượng mưa dự báo rất lớn nên nguy cơ sạt lở và lũ ống cũng nhiều, cho nên cũng phải thực hiện di dời dân ở các vị trí xung yếu. Trước 16h chiều nay, các địa phương, đơn vị phải đưa dân về đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Sỹ Khánh nói.

Theo UBND TP Nha Trang, đến 11h ngày 23/11, tại thành phố này dự kiến có hơn 880 hộ với hơn 3.400 người ở các vùng xung yếu cần được di dời đến nơi an toàn, trong đó nhiều nhất là các xã vùng ven như Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phước, Vĩnh Phương…

 

Nha Trang nơm nớp chống bão - Ảnh 2.

Di dời người người dân vùng xung yếu đến nơi an toàn ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang

 

Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, trong những khu vực xung yếu ở xã này thì khu vực lo lắng nhất là thôn Thành Phát, Thành Đạt, Phước Hạ, Phước Thủy và Phước Tân. “Đây là 5 khu vực có nguy cơ cao về sạt lở núi và ngập lụt nếu có mưa lớn kéo dài như những ngày trước đó”, ông Pháp cho hay.

Hiện nay tại xã Phước Đồng có hồ Kênh Hạ (hồ Đồng Bò) dung tích 700.000m3 có nguy cơ đe dọa nhà dân vùng hạ du khi bị sạt lở đuôi tràn. Cụ thể, phần xói lở nằm ở đuôi tràn xả lũ, vị trí cách ngưỡng tràn 70m. Trong 2 ngày qua, cơ quan chuyên môn đã huy động phương tiện gia cố bằng rọ đá.

“Hiện nay cuối đuôi tràn hồ này bị xói lở, chứ không phải xói lở bờ đập. Nếu đặt giả thiết là vỡ đập thì Phước Tân là nguy hiểm nhất”, ông Pháp nói.

Ông Trương Ngọc Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, một xã vùng ven ở cánh đông bắc TP Nha Trang cho biết, trong đợt mưa lũ cách đây ít ngày, nhiều khu vực ở xã này bị ngập lụt cục bộ, có nơi ngập nặng từ 1,5-2m. Do đó, hoàn lưu bão số 9 nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn nên địa phương lên phương án di dời 123 hộ dân ở vùng trũng thấp, nhà ven chân núi như ở các thôn Đắc Lộc 1, Đắc Lộc 2, Như Xuân 1…

Nha Trang nơm nớp chống bão - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng gia cố rọ đá ở đuôi tràn xả lũ hồ chứa nước Kênh Hạ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang)

 

Trước tình hình cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cũng đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra công tác sơ tán dân khỏi các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Thủ phủ tôm hùm lo di dời lồng bè “chạy” bão

Bắc Vân Phong được coi là thủ phủ tôm hùm ở bắc Khánh Hòa. Theo ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện hiện có hơn 1.000 hộ nuôi trồng thủy sản, với trên 10.000 ô lồng trên vịnh Vân Phong. Nhằm ứng phó cơn bão số 9, huyện yêu cầu các địa phương vận động người dân di dời đồng bè vào vùng kín gió, an toàn.

Trong đó các vùng kín gió đều nằm trong 6 vùng quy hoạch nuôi, gồm: thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng); lạch Cổ Cò (xã Vạn Thạnh); Bãi Nặm và Bãi Sau (thôn Khải Lương); Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò; phía Nam hòn Ông; Hòn Vung hoặc các vùng gần bờ.

“Dự kiến, khoảng 16h ngày 23/11, chúng tôi sẽ hoàn thành việc di dời dân và lồng bè đến nơi an toàn. Sau đó, sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành di dời của người dân. Nếu ai không chấp hành chúng tôi sẽ cưỡng chế, tránh gây thiệt hại về người”, ông Phẩm cho hay.

Nha Trang nơm nớp chống bão - Ảnh 4.

Nhà dân ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) đưa bao cát lên mái tôn để chằng chống nhà cửa trước bão số 9

 

Về vấn đề này, ông Võ Thành Loan, một người nuôi trồng thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cho biết: “Bão năm ngoái bà con thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nguyên nhân trong đó có một phần là bà con lơ là, chủ quan. Rút kinh nghiệm năm nay, dù chưa bão vào nhưng bà con đã bắt đầu mua dây làm neo để chằng chống lồng bè”.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, từ chiều hôm qua, đã phối hợp Bộ đội Biên phòng dùng ca nô tuyên truyền người dân chằng chống, di dời lồng bè đến nơi an toàn. “Chúng tôi dứt khoát không để người dân ở lại trên bè, tránh gây thiệt hại”, ông Vương cho hay.

Thủy Nguyên