Nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm chỉ bằng 6% vốn dành cho chống ngập?

(Dân trí) - Cử tri cho rằng TPHCM chưa nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm mà nên dành tiền đầu tư cho công tác an sinh xã hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP trả lời: tiền xây nhà hát chỉ bằng 3% so với lĩnh vực giao thông; bằng 6% vốn dành cho giảm ngập, phòng chống lũ lụt; bằng 4% vốn đầu tư cho giáo dục, y tế…

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về kết quả trả lời ý kiến cử tri liên quan đến việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Cụ thể, cử tri đề nghị TPHCM chưa nên xây dựng nhà hát trong giai đoạn hiện nay vì đại đa số bộ phận người dân không có nhu cầu, trình độ hưởng thụ âm nhạc chưa cao.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà hát cần điều tra xã hội học trong nhân dân tại khu vực này. Hiện nay, việc xây dựng nhà hát chỉ thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP và một vài ý kiến khác.

Nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm chỉ bằng 6% vốn dành cho chống ngập? - 1
TPHCM xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ảnh: Phạm Nguyễn)

Trả lời cử tri, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, TPHCM là thành phố văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn có các giá trị văn hóa, xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vào thời Pháp thuộc, TP có ba nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP. Nay chỉ có Nhà hát TP còn có giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Vì vậy, để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho hơn 10 triệu dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của người dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…, việc xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm là hết sức cần thiết và cấp bách.

“Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trước khi trình dự án xây dựng nhà hát, UBND TP đã có các đợt khảo sát, thông tin về dự án. Tại kỳ họp thứ 10 khóa IX HĐND TPHCM, các đại biểu đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát này với tổng vốn khoảng 1.508 tỷ đồng.

Với kinh phí như trên, cử tri đề nghị ưu tiên vốn đầu tư cho các công tác an sinh xã hội, tập trung đầu tư máy móc hiện đại để xử lý rác thải, chống ngập nước, xây bệnh viện…

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư dự án được lấy từ nguồn bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn (quận 1). Trong giai đoạn 2018-2020, TP chỉ dự kiến bố trí vốn cho dự án khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Việc khởi công dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách là gần 172.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực giao thông gần 52.700 tỷ đồng, giảm ngập gần 23.900 tỷ đồng, môi trường hơn 8.700 tỷ đồng, giáo dục gần 22.100 tỷ đồng, y tế hơn 12.500 tỷ đồng…

Như vậy, số vốn thực hiện dự án xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm chỉ chiếm 1% so với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và chỉ bằng 3% so với lĩnh vực giao thông; bằng 6% so với tổng vốn đầu tư cho giảm ngập, phòng chống lũ lụt; bằng 4% so với tổng vốn đầu tư cho giáo dục, y tế…

“Nhìn bức tranh tổng thể để thấy con số mà TP đầu tư cho phát triển và đáp ứng nhu cầu văn hóa chỉ là một phần rất khiêm tốn và việc đầu tư cho nhà hát này sẽ không gây ra gánh nặng làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của TP”, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Quốc Anh