Bến Tre:

Nguyên Bí thư xã kể chuyện suýt ngồi tù vì... trồng cây xanh

(Dân trí) - Nhiều người đến xã Phú Khánh (Thạnh Phú, Bến Tre) không khỏi bất ngờ với hàng cây sao, dầu cao vút che bóng mát rượi. Mấy chục năm trước, ông Nguyễn Văn Chơi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đã suýt phải ngồi tù vì chuyện trồng hàng cây xanh này.

Ông Nguyễn Văn Chơi (còn gọi là ông Sáu Đấu) SN 1940, tham gia cách mạng từ năm 1960 và hiện là thương binh hạng 4/4. Trước năm 1975, ông giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh, sau giải phóng được chuyển về làm Trưởng phòng Tài chính, đến năm 1979 được điều về làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh lần thứ 2. 

Ông là người ra chủ trương trồng hàng cây xanh trên con đường dài hơn 3km dẫn vào trung tâm xã.

Ông Sáu Đấu bên hàng cây mình trồng gần 35 năm trước
Ông Sáu Đấu bên hàng cây mình trồng gần 35 năm trước

Chuyện trồng hàng cây xanh che bóng mát đến với ông từ một sự tình cờ. Ông Sáu Đấu kể lại: “Năm 1980 tôi bị viêm đại tràng mãn tính nên phải lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị. Những lúc rảnh rỗi tôi ra hành lang, thấy nhiều cây dầu, cây sao tỏa bóng mát nên muốn đem giống về xứ mình trồng ở con đường dẫn vào xã, giúp tạo bóng mát. Vậy là hễ cứ rảnh là tôi nhặt hạt rồi khi anh em ở xã lên thăm tôi nhờ đem về dưới cất giữ nhằm ươm giống”. 

Sau đó, ông Đấu bớt bệnh, được xuất viện về lại địa phương. Khi về xã làm việc, điều đầu tiên ông làm là họp anh em trong Đảng ủy xã để thống nhất chủ trương mở rộng đường, trồng cây xanh. Khi đó, tất cả đều thống nhất nên quyết định ươm giống để trồng và mở rộng con đường từ 3m lên 6,5m.

Hàng cây cao vút trên đường vào trung tâm xã
Hàng cây cao vút trên đường vào trung tâm xã

Ông Sáu Đấu là người trực tiếp ươm 5.000 cây sao, dầu và theo dự kiến trồng 2.500 cây, số cây còn lại dự trù khi chết sẽ thay thế. Tuy nhiên, việc mở đường trồng cây gặp muôn vàn khó khăn. 

Ông kể: “Khi đó 2 bên đường toàn chum lé, keo là loại cây tạp nhưng vận động đốn bỏ dân cũng tiếc, một số người không đồng tình vác đơn đi thưa kiện khắp nơi. Đơn thưa lên tới huyện, tỉnh nên Viện Kiểm sát tỉnh đòi ra lệnh bắt giam tôi vì chuyện đốn hạ cây của dân. Tỉnh ủy phải cử ông Nguyễn Hữu Vị, Tỉnh đội trưởng (Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - PV) xuống điều tra. Khi ông vừa xuống dân kéo ra đường chặn lại phản đối nhưng khi đi khảo sát, lấy ý kiến và tìm hiểu cặn kẽ, ông Nguyễn Hữu Vị khuyên bà con nên đồng tình không thưa kiện nữa vì tôi làm vì lợi ích chung, không tư lợi một đồng nào”.

Hàng cây che bóng mát cho học sinh tới trường
Hàng cây che bóng mát cho học sinh tới trường

Khi ông Sáu Đấu thoát cảnh kiện cáo, bắt giam, việc trồng cây được tiến hành nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Khi vừa trồng xuống, đêm đầu tiên dân nhổ bỏ hơn 300 cây con, đêm thứ 2 hơn 100 cây, lực lượng du kích phải tuần tra suốt đêm vẫn không bảo vệ xuể đoạn đường 3km. Sau đó, ông Sáu Đấu ra quyết định cây trồng trước cửa nhà hộ nào thì hộ đó phải có trách nhiệm chăm sóc, nếu làm tốt sẽ đượng thưởng, khi nào tỉa nhánh sẽ cho hộ dân được lấy làm củi gọi là công chăm sóc; còn để cây chết, mất phải bắt đền. Đồng thời giữa cây sao, cây dầu sẽ được trồng cây bạch đàn, sau này thu hoạch sẽ chia cho dân 30%. Nhờ chính sách đó, dân mới đồng tình và không khiếu kiện hay phá cây nữa.

Một số cây to 3 em học sinh ôm không xuể.
Một số cây to 3 em học sinh ôm không xuể.

Ông Sáu Đấu tâm sự: “Để bảo vệ được hàng cây là cả công sức tập thể các ban ngành, lúc đó công việc bảo vệ, chăm sóc cây chiếm đến 1/3 công việc hành chánh ở địa phương. Sau giờ làm việc anh em đều xắn tay áo đi tưới, vô phân, chăm sóc cho hàng cây. Mọi người còn nói đùa, kháng chiến gian khổ không sợ bằng chuyện bảo vệ hàng cây xanh”. 

Ngoài chuyện trồng cây xanh ở con đường vào trung tâm xã, ông Sáu Đấu còn chủ trương trồng bạch đàn, dừa ở các tuyến đê, tuyến thủy lợi nội đồng với khoảng 10.000 cây bạch đàn, 500 cây dừa. Sau hơn 10 năm, địa phương bán số cây bạch đàn này để xây dựng 2 trường học, cất cơ quan Đảng ủy xã 1 trệt 1 lầu khang trang,  xây 2 cây cầu bê tông và làm 15 căn nhà (bằng gỗ) cho gia đình liệt sĩ. Năm 2006, trận bão tràn qua địa phương gây thiệt hại nặng nề, hàng cây sao, dầu bị trốc gốc hơn 100 cây. Số cây trốc gốc này được chính quyền bán gỗ lấy tiền sửa chữa lại ngôi chợ ở địa phương.

Hàng cây xanh rợp bóng mát
Hàng cây xanh rợp bóng mát

Hàng cây gần 35 năm tuổi giờ cao vút, tỏa bóng mát rượi, là một niềm tự hào của địa phương.

Giữa trưa nắng, bà Bùi Thị Tám, 72 tuổi (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Khánh) ngồi chẻ củi ngay tán cây sao trước cửa nhà. Hỏi chuyện hàng cây xanh, bà Tám cho biết: “Hàng cây này là của ông Sáu Đấu trồng, khi đó dân phản đối dữ lắm vì chặt cây của dân để nhà nước trồng cây xanh nhưng sau đó họ hiểu ra thì không thưa kiện nữa. Gia đình tôi được giao chăm sóc 6 cây sao trước cửa nhà giờ chỉ còn 4 cây do 2 cây bị chết hồi còn nhỏ. Hàng cây cổ thụ này lâu nay làm nhiệm vụ tỏa bóng mát cho người đi đường”.

Bà Tám bên hàng cây xanh trước cửa nhà do chính mình chăm sóc
Bà Tám bên hàng cây xanh trước cửa nhà do chính mình chăm sóc

Đã ở cái tuổi 75, sau nhiều năm về hưu, ông Sáu Đấu giờ rất hãnh diện với những gì mình đã làm vì lợi ích lâu dài của dân và không tư lợi nên được dân tin tưởng. Thành quả ông để lại là hơn 1.100 cây cổ thụ cao vút che bóng mát quanh năm. Dẫn chúng tôi đi tham quan hàng cây cổ thụ, gặp nhiều cháu học sinh tung tăng dưới tán cây mát rượi, ông cho biết: “Hồi trước học sinh đi học về gặp trời nắng toàn chạy thôi chứ không dám đi vì nóng rát cả bàn chân, 2 bên không có một bóng cây nào. Bây giờ 2 bên đường là hàng cây mát rượi, một số cây mấy người ôm không giáp nên mấy cháu đi học đỡ cảnh nắng nóng”.

Ông Sáu Đấu kể chuyện suýt bị ngồi tù vì trồng hàng cây xanh
Ông Sáu Đấu kể chuyện suýt bị ngồi tù vì trồng hàng cây xanh

Theo ông, điều đáng tiếc nhất của ông là lúc đó không mở rộng lộ giới ra đến 8m để mấy chục năm sau có thể mở đường rộng hơn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế lâu dài. Giờ nhớ lại ông bảo, thời điểm ấy có phải đi tù ông cũng không hối hận vì làm việc có lợi cho dân thì đâu sợ thua thiệt!

Hoàng Trung