1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguy cơ thuốc lá lậu gia tăng trở lại

Mặc dù Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương đã triển khai rất tích cực trong công tác chống thuốc lá lậu nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,9% so với gần 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu hàng năm.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tại buổi Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4 vừa qua tại TPHCM, đại diện Bộ Công Thương cho biết trong 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu ở biên giới các tỉnh Long An, An Giang..., tiêu thụ mạnh nhất là ở TPHCM và Hà Nội.

Do mức chênh lệch giá thuốc lá cùng chủng loại tại Campuchia và thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam rất cao nên các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Chẳng hạn trước đây thuốc lá nhập lậu được chia nhỏ, trà trộn, cất giấu trong hành lý hoặc trong hàng hóa khác thì nay các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, cất giấu trong cabin, mui, gầm, bình xăng xe, bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển.

Nguy cơ thuốc lá lậu gia tăng trở lại

Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu hiện vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa bàn trọng điểm. (Ảnh: Trung Kiên)

Ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, cho biết lợi nhuận thu được từ vận chuyển, buôn bán kinh doanh thuốc lá lậu ở Việt Nam rất cao, chỉ sau buôn lậu ma túy. Do vậy đối tượng buôn lậu tranh thủ triệt để, lợi dụng sơ hở các chính sách pháp luật, các lực lượng chức năng… để buôn lậu. Các đối tượng tìm mọi phương thức thủ đoạn tinh vi, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đối phó. Để bắt được các đối tượng này rất khó, có những chuyên án mất 6 tháng vẫn chưa thành công.

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết người tham gia vận chuyển thuốc lá lậu đa phần là cư dân biên giới, rất thông thạo địa bàn. Dưới sự điều hành của một số “đầu nậu” giấu mặt, bằng các phương tiện ghe máy, xuồng… vận chuyển nhỏ lẻ nhiều lần từ biên giới phía Campuchia qua các cánh gà, đường mòn khu vực cửa khẩu hoặc đồng ruộng… xâm nhập vào thị trường nội địa. Khi bị kiểm tra, họ lôi kéo nhiều phụ nữ, trẻ em giật lại hàng, có trường hợp còn đốt nhà để tẩu tán thuốc lá lậu.

Cùng quan điểm, Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang thông tin gần đây trung bình mỗi ngày có khoảng 25.000-30.000 gói thuốc lá lậu được vận chuyển vào Việt Nam qua khu vực này. Các đối tượng tập kết bên kia biên giới sau đó bốc lên các xe máy có phân khối lớn, rồi cử người quan sát, cảnh giới. Nếu trên đường vận chuyển phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng quay đầu xe ngược lại biên giới Campuchia hoặc lẩn trốn vào khu dân cư.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã bắt giữ nhiều chuyến hàng thuốc lá lậu trên vùng biển tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Thủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngoại phổ biến là lợi dụng nguồn thuốc lá tạm nhập, tái xuất đưa vào các kho ngoại quan tại Hải Phòng, Quảng Ninh để làm thủ tục tái xuất đi Trung Quốc. Trong quá trình tái xuất, các chủ “đầu nậu” tìm cách đưa vào nội địa tiêu thụ.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt nam cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì 1.500 bao như quy định hiện nay để tăng tính răn đe đối với kẻ buôn lậu.

Đồng tình với kiến nghị trên, ông Hoàng Văn Trực cho biết đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra và là cơ sở pháp lý để điều tra, khởi tố, xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá. Để chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, cần xử lý kỷ luật luân chuyển cán bộ ở các địa phương (trong lực lượng có chức năng chống buôn lậu) có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Theo ông Cao Văn Năm, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh, với số lượng trên dưới 1.000 bao thì QLTT chỉ xử lý hành chính. Việc xử lý hành chính như bắt cóc bỏ dĩa. Hôm nay bắt, ngày mai họ sẽ đi lại. Do lợi nhuận rất cao nên đối tượng chấp nhận mất vài trăm triệu đồng, sau đó đi buôn trong vòng vài tháng sẽ lấy lại. Do đó chỉ có xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu mới sợ.

“Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam sẽ phối hợp và hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư 19/2015 của Bộ Tài chính và các cơ chế hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật” - ông Cường nhấn mạnh.

Thuốc lá nhập lậu còn có tác hại lớn nữa là do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng… Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu. Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng quỹ với mức 1% từ năm 2013, năm 2016 tăng lên 1,5%, 2% từ năm 2019 (tính trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm quỹ có khoảng 300-500 tỉ đồng nhưng chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.

Ngày 24 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 04/ CT-BCT, theo đó Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển kinh doanh hàng nhập lậu năm 2015 và các năm tiếp theo. Cán bộ, công chức Quản lý thị trường phải gương mẫu trong việc không sử dụng thuốc lá điếu nhập lậu, không tiếp tay cho các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đến hết quý III năm 2015, tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phải có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu.

PV