Huyền thoại An ninh T4:

Người tù đấu trí với CIA “trong xà lim trắng toát”

(Dân trí) - Một gương mặt điển hình của lực lượng An ninh T4 là đồng chí Nguyễn Tài. Khi bị địch bắt bớ, tra tấn, thẩm vấn trong xà lim đặc biệt giữa Sài Gòn, ông đã khiến những chuyên viên thẩm vấn có trình độ cao nhất của CIA điên đầu nao núng.

Người tù đấu trí với CIA “trong xà lim trắng toát”

Cán bộ chiến sĩ An ninh T4 dựng nhà làm việc cho Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn tại căn cứ Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, năm 1972

Đối mặt với CIA

Trước tình hình chiến sự ở miền Nam, Nguyễn Tài khi đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (Bộ Công an) đã đề đạt nguyện vọng vào chiến trường miền Nam. Ngày 21/3/1964, Nguyễn Tài được Trung ương cử vào miền Nam trực tiếp chiến đấu. Tại miền Nam, ông trở thành ủy viên Ban An ninh của Trung ương cục miền Nam, năm 1966 ông làm Trưởng Ban An ninh khu Sài Gòn – Gia Định, ủy viên thường vụ Thành ủy.

Ngày 23/12/1970, trên đường đi dự một cuộc họp của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, ông bị bắt trong địa phận tỉnh Bến Tre. Trong giấy căn cước, Nguyễn Tài có tên là Nguyễn Văn Lắm, quê Định Thủy, Mỏ Cày, Bến Tre nhưng lại nói giọng Bắc nên địch đưa ông đi thẩm vấn nhiều nơi. Để không ảnh hưởng đến tổ chức và nhân sự của Thành ủy mà ông là ủy viên thường vụ và Ban An ninh T4 (ông là trưởng ban), Nguyễn Tài đã tạo ra lý lịch giả, tự nhận là Nguyễn Văn Hợp, đại úy tình báo miền Bắc.

Quân địch hy vọng sẽ khai thác được nhiều thông tin của cách mạng từ Nguyễn Văn Hợp nhưng cả tháng trời tra tấn vẫn không xác minh ra được lý lịch từ cái tên Nguyễn Văn Hợp này. Phần lớn những gì Nguyễn Tài khai báo chỉ là những thông tin giả của một một câu chuyện che giấu được ông dựng lên một cách khéo léo.

Khi Nguyễn Tài bị bắt, các đồng đội ở bên ngoài tìm cách giải cứu nhưng không may cũng bị sa lưới. Cho rằng, cái tên Nguyễn Văn Hợp đó là cán bộ quan trọng của tổ chức cách mạng nên mới liên tục được giải cứu, từ đó quân địch lại dồn dập các màn tra tấn nhưng Tài vẫn im lặng hoặc nói “Quên rồi”.

Ông Nguyễn Tài (ảnh chụp cuối năm 1970)

Ông Nguyễn Tài (ảnh chụp cuối năm 1970)

Nguyễn Tài trở thành con bài sáng giá trong các cuộc thương thuyết về con tin của Mỹ khi Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định Trần Bạch Đằng đề nghị trao đổi Nguyễn Tài với Ramsey - một viên chức ngoại giao của Mỹ bị bắt năm 1966. 

Qua đề nghị trao trao đổi này của ta, Cơ quan tình báo trung ương CIA của Mỹ đã “nhận thức được giá trị của Tài” nên giành quyền thẩm vấn từ tay tổ chức tình báo của Thiệu. CIA cử 2 chuyên viên thẩm vấn có trình độ cao là Peter Kapusta và Frank Snepp từ Mỹ sang để trực tiếp hỏi cung ông Tài.

CIA cho xây một xà lim đặc biệt ngay trong khuôn viên Trung tâm thẩm vấn quốc gia của Thiệu. Xà lim hình vuông, mỗi cạnh 2m. Các bức tường đều sơn trắng toát, trần gắn 5 ngọn đèn thắp sáng choang 24/24 giờ làm người tù mất khái niệm thời gian. Biết ông Tài chịu lạnh kém, CIA thiết kế hệ thống máy lạnh, mở công suất cao. Tường và cửa đều cách âm, không nghe tiếng động bên ngoài. Trên trần có gắn máy thu âm, thu hình để các cai ngục có thể bí mật theo dõi mọi hành động và cử chỉ của người tù.

Tuy nhiên, Nguyễn Tài tự thích nghi với “thế giới của riêng mình”, có thể biết được giờ giấc nhờ hệ hóa học trong thân thể. CIA thay đổi giờ giấc thẩm vấn một cách lộn xộn, cắt ngang một cuốn phim rồi cho nhảy lộn xộn cảnh này sang cảnh khác, đột ngột thay đổi đề tài… nhằm làm sai lạc đồng hồ nội tâm của Nguyễn Tài.

Nhưng, mọi thủ đoạn đều thất bại với tù binh này. Những thông tin Nguyễn Tài khai chỉ là thông tin bị làm sai lạc một cách có tính toán. Trong ba năm, các thẩm vấn viên của CIA vật lộn, đấu trí với Nguyễn Tài nhưng khu thu được hiệu quả.

Từ cõi chết trở về

Theo Hiệp định Paris, đúng ra 2 bên trao trả tù binh trong năm 1973 nhưng Mỹ - Thiệu đã vi phạm trắng trợn Hiệp định, tiếp tục giam giữ nhiều người, trong đó có Nguyễn Tài.

Khi 5 cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, CIA gợi ý cho nhà cầm quyền Nam Việt Nam thủ tiêu Nguyễn Tài. Tuy nhiên, lệnh đến quá trễ, trong khi quân giải phóng tấn công như vũ bão, các viên chức cao cấp của Phủ đặc ủy trung ương tình báo tìm cách chạy thoát thân. Các nhân viên cấp dưới của Trung tâm thẩm vấn quốc gia sợ mang thêm tội với Cách mạng và sẽ bị trừng phạt nếu những người Cộng sản biết họ đã giết Nguyễn Tài. Trong khi đó, các viên chức CIA trong đó có Frank Snepp cứ nghĩ là Nguyễn Tài đã bị thủ tiêu bằng cách đưa lên máy bay và bị ném xuống biển Đông ở độ cao 1.000 feet.

Ông Nguyễn Tài (ảnh chụp cuối năm 1970)

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (người thứ hai từ trái qua) đến thăm ông Nguyễn Tài (thứ hai từ phải qua) đầu tháng 5/1975

Trưa ngày 30/4/1975, một tiểu đoàn thuộc Quân đoàn IV tiến vào Sài Gòn chiếm Phủ đặc ủy trung ương tình báo. Ông Tài được giải thoát khỏi xà lim trắng toát sau 4 năm 4 tháng 10 ngày bị biệt giam ngay giữa lòng Sài Gòn.

Ngay sau đó, Nguyễn Tài gặp Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, được công nhận Đảng tịch liên tục, được phân công ủy viên thường vụ Thành ủy, phụ trách Trưởng Ban An ninh của thành phố Sài Gòn – Gia Định mới giải phóng. Đầu năm sau, ông được đề bạt chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng trăm vạn người Việt Nam yêu nước bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt giam, tù đày và tra tấn nhưng có lẽ ông Nguyễn Tài là người được các tác giả Mỹ đề cập đến nhiều nhất. Họ gọi ông là “Người trong xà lim trắng toát”.


Đồng chí Nguyễn Tài tên thật là Nguyễn Tài Đông, bí danh Tư Trọng, Tư Duy, Ba Sáng, sinh ngày 11/12/1926, quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng; cha là nhà văn Nguyễn Công Hoan, chú là Nguyễn Công Miều (tức Lê Văn Lương)…

Ngô Công Quang

-      Loạt bài “Huyền thoại An ninh T4” có tham khảo tài liệu của các tác giả, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh… trong kỷ yếu của hội thảo khoa học “Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM” do Bộ Công an – Thành ủy – UBND TPHCM ấn hành.