Người phụ nữ nửa thế kỷ lạc gia đình: Cuộc hội ngộ bất ngờ

(Dân trí) - Dù chỉ là cuộc hội ngộ với những người từng cưu mang, chưa phải người thân ruột thịt nhưng cũng khiến người phụ nữ lạc gia đình hơn nửa thế kỷ có thêm động lực, niềm tin vào ngày đoàn tụ không xa…

Người phụ nữ nửa thế kỷ tìm gia đình

Câu chuyện về người phụ nữ tên Hợp (bà không nhớ rõ họ và năm sinh, quê quán của mình) tìm kiếm cha mẹ, anh chị thất lạc trong chiến tranh được thông tin trên báo Dân trí đã gây xúc động và nhận được sự quan tâm của dư luận.

Người phụ nữ nửa thế kỷ lạc gia đình: Cuộc hội ngộ bất ngờ - 1

Bà Hợp thường xem những thước phim tài liệu nói về chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam. Đó là cách để bà cố tìm cho được những dấu vết, ký ức về mái ấm gia đình bị thất lạc hơn 50 năm của bà.

Và thật bất ngờ, câu chuyện xúc động này đã có niềm vui bước đầu khi mới đây, một gia đình ở khu vực cầu Giồng Ông Tố (nay là đường Nguyễn Thị Định, quận 2, TPHCM) đã nhận ra bà Hợp là người mà họ đã từng cưu mang năm nào.

Người phụ nữ nửa thế kỷ lạc gia đình: Cuộc hội ngộ bất ngờ - 2

Những người từng cưu mang bà Hợp 50 năm trước đã nhận ra bà từ câu chuyện tìm người thân trên báo Dân trí.

“Dù đã hơn 50 năm nhưng xem qua những thông tin về cô Hợp, tôi nhận ra ngay đó là bé gái mất cánh tay từng được mẹ và chị của tôi đem về nuôi từ 50 năm về trước”, ông Võ Văn Đúng (61 tuổi, ngụ quận 2) chia sẻ.

Theo ông Đúng, ông còn nhớ thời điểm đó vào khoảng năm 1968, lúc đó ông chừng 9 - 10 tuổi, khi đi học về ông đã thấy trong nhà có bé gái cụt tay, khoảng 5 tuổi. Sau đó ông mới biết bé gái này bị thương mất cánh tay, mất cả người thân và được chị Chín Ốm (con gái nuôi của mẹ ông Đúng) đưa về nuôi.

Bà Võ Thị Ba (chị ruột ông Đúng, hơn 80 tuổi, ngụ phường Cát Lái, quận 2) cũng khẳng định sự việc em gái nuôi của bà có đưa bé gái mất cánh tay tên Hợp về nuôi thời điểm khoảng 50 năm trước.

“Sự việc đã quá lâu nên có thể tôi không nhớ chính xác thời gian nào. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi bé gái khoảng 4 – 5 tuổi, tên Hợp mất cánh tay được đưa về nhà mẹ tôi ở khu vực Giồng Ông Tố nuôi. Mẹ tôi là bà Ba Trọc (cụ Nguyễn Thị Hương, đã mất) rất thương và xem bé Hợp như cháu ngoại trong nhà”, bà Ba nhớ lại.

Người phụ nữ nửa thế kỷ lạc gia đình: Cuộc hội ngộ bất ngờ - 3

Bà Hợp vui mừng gặp lại gia đình ân nhân từng cưu mang mình 50 năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Đúng, bà Ba và những người thân trong gia đình này thì sau đó, không ai biết vì sao bà Chín Ốm lại đưa Hợp đi về vùng Phú Hữu, quận 9 và mất liên lạc từ đó.

“Đến hôm nay, sau 50 năm chúng tôi mới có thông tin về cô Hợp. Rất mừng khi biết được cô Hợp đã có được cuộc sống ổn định bên 2 con trai. Chúng tôi mong muốn gặp lại cô ấy cũng như cầu chúc cô ấy sớm tìm được người thân của mình”, ông Đúng bày tỏ.

Những ngày cuối tháng 4, trong không khí cả nước kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, PV Dân trí đã sắp đặt cuộc hội ngộ giữa bà Hợp và gia đình những người từng cưu mang mình.

Ngay khi gặp lại ông Đúng, bà Ba, bà Bảy… bà Hợp rưng rưng nước mắt và từng bước nhận ra những vị ân nhân từng cưu mang mình. Những câu chuyện về ký ức tuổi thơ được bà Ba, bà Bảy khơi lại, được dịp ùa về trong trí nhớ cô bé Hợp ngày nào.

“Đúng rồi, con đã nhớ lại là ngày nào các cậu, các dì đi học về cũng kêu con vừa hát, vừa múa bài “kìa con bướm vàng”. Con múa bằng cánh tay cụt ngộ nghĩnh khiến cả nhà mình phá lên cười…”, bà Hợp nghẹn ngào nhắc lại.

voIMG_0219.jpg

Bà Ba, bà Bảy (Giồng Ông Tố, quận 2) cùng nhắc lại những mẫu chuyện xưa cũ với đứa cháu nuôi thất lạc suốt 50 năm.

Cuộc hội ngộ diễn ra trong không khí vô cùng xúc động và ấm áp. Thế nhưng, không ai trong những chứng nhân này có thể trả lời được câu hỏi mà bà Hợp day dứt suốt nửa thế kỷ qua: “Mẹ nuôi của con nhặt được con trong hoàn cảnh nào? Quê quá, cha mẹ, anh chị của con ở đâu?”.

“Chị Chín Ốm mất lâu rồi. Điều đáng tiếc nhất là chúng tôi không nhớ và cũng chưa kịp hỏi chị ấy về nguồn gốc của bé Hợp”, ông Đúng tiếc nuối bày tỏ. Tuy nhiên, người đàn ông này hứa với bà Hợp rằng "từ đây, cậu sẽ đồng hành cùng con để tìm kiếm người thân".

Thay cho lời an ủi và cũng là lời động viên đứa cháu gái có thêm động lực trên bước đường tìm về nguồn cội của mình, bà Ba chia sẻ: “Lá rụng rồi cũng sẽ về cội. Dì có niềm tin rằng, không còn xa đâu, con sẽ tìm được cha mẹ, anh chị ruột thịt của mình”.

Theo lời kể của bà Hợp, khoảng hơn 50 năm trước lúc đó bà còn rất bé thì không may lạc mất gia đình trong chiến tranh.

Người phụ nữ nửa thế kỷ lạc gia đình: Cuộc hội ngộ bất ngờ - 5

Bà Hợp suốt nửa thế kỷ tìm kiếm cha mẹ, anh chị của mình bị thất lạc trong chiến tranh.

"Chiến tranh đã khiến tôi mất cánh tay. Điều đau đớn nhất là tôi mất  luôn cha mẹ, người anh và 2 người chị", bà Hợp kể lại.

“Thời điểm đó tôi khoảng chừng 6 tuổi. Suốt thời gian dài điều trị rồi không biết sao tôi trôi dạt về vùng cầu Giồng Ông Tố, rồi đến chợ Thủ Thiêm (nay là quận 2, TPHCM-PV). Kể từ đó tôi trở thành đứa trẻ tật nguyền, sống bụi đời ở gầm cầu, xó chợ bằng tình thương của các dì, các chị tiểu thương cho cái ăn; quần, áo để mặc. 

Rồi một hôm, “bé cụt tay” (tên mà các tiểu thương ở chợ Thủ Thiêm gọi bà Hợp) leo lên chiếc phà nối vùng Thủ Thiêm với đất Sài Gòn hoa lệ (quận 1 ngày nay).

Phà cập bến sang bên kia Sài Gòn hoa lệ và đó cũng là chuyến “hành trình” hơn 50 năm trên đất Sài Gòn của cô bé bụi đời mất cánh tay, mất hết người thân vì chiến tranh.

“Giờ đây, khi các con đã lớn, cuộc sống đã ổn thì cũng là lúc lòng mong muốn tìm về nguồn cội, tìm lại cha mẹ, anh chị của tôi trỗi dậy mãnh liệt", bà Hợp bày tỏ.

Qua báo Dân trí, ai biết hay có thông tin gì về người thân của bà Hợp, hãy gọi về 0989167408 (anh Tài) hoặc 0372909874 (bà Hợp). 

Đăng Lê