Bạc Liêu:

Người phụ nữ hai lần chiến thắng “tử thần” ung thư

(Dân trí) - Phát hiện bị ung thư dạ dày, chị Nguyễn Thị Kim Thư (43 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) được bác sĩ chỉ định cắt hết dạ dày. Khi việc điều trị chưa xong, chị lại phát hiện mình bị ung thư nội mạc tử cung...

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), nhắc đến những năm tháng “sống chung” với hai căn bệnh ung thư, chị Nguyễn Thị Kim Thư không giấu được những giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt pha lẫn cả nỗi buồn khổ bi quan của quá khứ và niềm vui của hiện tại.


Chị Kim Thư chia sẻ về 2 lần phát hiện ung thư (Thực hiện: Huỳnh Hải)
 
Hai lần liên tiếp phát hiện bị ung thư
 
Chị Nguyễn Thị Kim Thư kể, trước đây do cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn nên từ khi mới 15 tuổi, chị đã phải làm một người “trụ cột” trong gia đình. Mẹ và anh trai, em trai đi làm xa, ở nhà chỉ còn hai cha con nên chị thay mẹ gánh vác hết mọi việc. Ban ngày chị đi học, ban đêm may quần áo kiếm tiền phụ giúp gia đình và chăm sóc người cha bị bệnh ung thư.

Sau khi học xong ra trường đi làm, ngoài việc ở cơ quan, chị còn may quần áo để kiếm thêm thu nhập. Mải lo cho gia đình, chị quên cả việc chăm lo cho bản thân. “Đầu năm 2005, tôi thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu khó chịu như chóng mặt, chán ăn, hay sốt về chiều, đau vùng thượng vị… Rồi thêm thời điểm đó tôi cũng đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM nên thời gian nghỉ ngơi ít, khiến cho bệnh có dấu hiệu nặng thêm”, chị Thư nhớ lại.

Chị Kim Thư bồi hồi xem lại những giấy tờ liên quan đến hai căn bệnh ung thư của mình.
Chị Kim Thư bồi hồi xem lại những giấy tờ liên quan đến hai căn bệnh ung thư của mình.

Sau đó, chị Thư đi khám bệnh thì phát hiện mình bị ung thư dạ dày. “Lúc biết tin mình bị ung thư, tôi hoang mang, tuyệt vọng lắm, cứ nghĩ là mọi cái coi như chấm hết vậy”, chị Thư bồi hồi. Rồi nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, chị Thư bắt đầu lấy lại tinh thần, chuẩn bị cho ca phẫu thuật.

Khi vào viện hội chẩn, các bác sĩ dự kiến sẽ cắt bỏ hết dạ dày bởi lúc này khối u cỡ 2cm và nằm ở vị trí hiếm gặp. “Lúc nghe nói cắt hết dạ dày, tôi lo lắm. Nhưng đến khi phẫu thuật thì tình hình khả quan nên bác sĩ chỉ cắt bỏ 4/5 dạ dày, tâm trạng mình mới cảm thấy nhẹ nhàng hơn”, chị Thư kể lại.

Sau khi phẫu thuật dạ dày vào tháng 7/2005, chị Thư được truyền hóa chất để ngăn ngừa tế bào ung thư tái phát. Trong khi căn bệnh ung thư dạ dày vẫn đang phải theo dõi điều trị thì cuối năm 2008, chị Thư lại phát hiện có những triệu chứng lạ trong cơ thể. Khi lên khám tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), chị nhận được kết quả bị ung thư nội mạc tử cung.

Chị Thư bùi ngùi kể lại, ngày chị biết mình bị căn bệnh ung thư thứ hai chỉ trước đám cưới của người em trai út 2 ngày. Vì sợ ảnh hưởng đến ngày vui của em và gia đình nên chị đã phải giấu tất cả mọi người. “Sau đám cưới, tôi mới dám nói thật với gia đình rồi tiếp tục lên TPHCM nhập viện. Lần đi thứ hai này, tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ trở về nữa vì lúc đó cũng bi quan lắm, không biết mình có vượt qua nổi hay không”.

Tháng 4/2009, chị Thư nhập viện và được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Sau đó, chị tiếp tục phải xạ trị để chống tái phát. Cứ thế, người phụ nữ đáng thương lại một thân một mình đều đặn từ Bạc Liêu lên TPHCM tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ trong một thời gian dài cho cả hai căn bệnh ung thư còn “ẩn” trong mình.

Chị Kim Thư bồi hồi xem lại những giấy tờ liên quan đến hai căn bệnh ung thư của mình.
Ngoài công việc ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, chị Thư vẫn còn giữ nghề may quần áo vừa để kiếm thêm thu nhập vừa là một cách quên đi bệnh tật.

Chị Kim Thư cho biết, khi chưa bệnh, chị nặng 46kg, lúc cắt dạ dày chỉ còn 36kg; năm 2009 chị cố gắng ăn uống lên được 40kg nhưng khi cắt tử cung lại xuống còn 38kg. Không chỉ thế, những đợt hóa trị với tác dụng phụ còn làm cho chị mệt mỏi, đau đớn, nhưng với nghị lực của mình, chị luôn cố chịu đựng để vượt qua.

Nói về “bí quyết” có thể vượt qua đến hai căn bệnh ung thư, chị Thư chia sẻ, ngoài điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ thì người bệnh không nên bi quan, bỏ cuộc dù sự sống mỏng manh, hãy cứ hy vọng cho dù là nhỏ nhất. Chị Thư bộc bạch: "Khi sức khỏe tương đối ổn định, tôi cũng thường xuyên tham gia văn nghệ, thể thao để cảm thấy cuộc sống tươi đẹp, yêu đời hơn, đây như là một cách để quên đi bệnh tật vậy".


Vận động thành lập Hội Ung thư giúp người cùng cảnh ngộ

Nói đến chuyện thành lập Hội Ung thư, chị Nguyễn Thị Kim Thư chia sẻ, bản thân chị đã trải qua nhiều giai đoạn điều trị bệnh ung thư nên phần nào chị hiểu được nỗi đau của những người mắc phải căn bệnh này.

“Tôi nghĩ rằng cần có một tổ chức là nơi để những người bị bệnh ung thư được chia sẻ, chăm sóc, được giảm nhẹ nỗi đau thân thể và cả sự tuyệt vọng về tâm lý cũng như là nơi gia đình bệnh nhân ung thư làm điểm tựa, làm cho người bệnh có tinh thần sống vui, sống khỏe với tinh thần lạc quan hơn”, chị Thư bày tỏ.

Chị Kim Thư (bìa phải) trong ngày Đại hội thành lập Hội Ung thư.
Chị Kim Thư (bìa phải) trong ngày Đại hội thành lập Hội Ung thư.

Cũng từ suy nghĩ trên, chị Kim Thư cho hay, vào năm 2008, trong một dịp tình cờ chị gặp và quen một bác sĩ cũng từng bị bệnh ung thư. “Lúc đó, trong cuộc nói chuyện, mình cũng gợi ý định thành lập Hội Ung thư để giúp những người chẳng may bị bệnh như mình thì được anh bác sĩ tán thành nên có thêm động lực cho việc thành lập Hội”, chị Thư vui vẻ kể lại.

Dù vậy, chị Thư cho biết, buổi đầu việc vận động thành lập Hội cũng gặp những khó khăn nhất định bởi lúc đó chỉ có 3 người ủng hộ. Sau đó, bằng sự quyết tâm vận động của chị và những người cùng ý định, số người xin tham gia vào Hội ngày càng đông và đến cuối tháng 5/2012, Hội Ung thư tỉnh Bạc Liêu mới chính thức thành lập.

Từ khi Hội Ung thư đi vào hoạt động, chị Thư cho hay, Hội đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các thành viên của Hội cũng đến tận nhà những bệnh nhân ung thư đang điều trị ngoại trú để chia sẻ, động viên họ.

Chị Kim Thư cùng nhà hảo tâm đến thăm những bệnh nhân ung thư ở bệnh viện.
Chị Kim Thư cùng nhà hảo tâm đến thăm những bệnh nhân ung thư ở bệnh viện.

Nói về hướng hoạt động của Hội Ung thư trong thời gian tới, chị Thư cho biết, dự kiến hàng tháng hay hàng quý Hội sẽ mở những lớp tập huấn cho bệnh nhận hoặc người thân về cách chăm sóc người bị ung thư. Ngoài ra, Hội cũng sẽ liên hệ đến các bác sĩ ở các tuyến trên để giới thiệu cho người bệnh ung thư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ người bệnh điều trị.
 
Chia tay chị, chúng tôi chúc người phụ nữ bé nhỏ nhưng giàu nghị lực ấy sẽ hoàn thành tâm nguyện đầy tính nhân văn của mình.

                                                                                                Huỳnh Hải