Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3:

Người phụ nữ bán vé số hiến máu, hiến xác cứu người

(Dân trí) - Phải bán vé số kiếm ăn từng bữa nhưng chị lại rất “hăng hái” hiến máu cứu người. Mới đây, chị còn quyết định hiến xác cho y học với mong ước có thể mang lại mạng sống cho nhiều người.

Chị là Nguyễn Thị Hồng Điệp, 43 tuổi, ngụ ấp 4, La Ngà, Định Quán, Đồng Nai. Để gặp được chị không khó. Có người bảo cứ lên Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán là được cán bộ đưa tới tận nhà chị. Cũng có người bảo chỉ cần ngồi ở một quán cà phê ven quốc lộ 20 đoạn qua xã La Ngà là sẽ gặp chị đi bán vé số ngang qua.

 

Nhà của chị Điệp nằm lẩn khuất trong xóm nhỏ. Ngoài những tấm bằng khen, kỷ niệm chương, huy hiệu… treo trên tường thì không còn vật dụng gì có giá trị. Chị hồ hởi cho biết: “Nhiều hôm đi bán vé số từ sáng tới chiều nhưng tôi không hề khóa cửa. Trong nhà chẳng có tiền bạc hay tài sản gì giá trị nên chẳng sợ kẻ trộm rình mò”.

 

Về hành trình hiến máu cứu người, chị chia sẻ: “Khoảng hơn chục năm về trước, tôi bị ốm thập tử nhất sinh nên phải vào bệnh viện chữa trị. Lúc đang nằm trên giường bệnh thì tình cờ đọc thấy bài báo viết về hoàn cảnh một gia đình có con nhỏ bị chết do thiếu máu. Từ đó ý định hiến máu cứu người trong tôi bắt đầu trỗi dậy. Khoảng 2 tháng sau, khi hết bệnh thì cũng là lúc tôi “xông pha” hiến máu”.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp với 66 lần hiến máu nhân đạo và hiến xác cho y học

Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp với 66 lần hiến máu nhân đạo và hiến xác cho y học

 

Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, hàng ngày chị phải rảo bước trên khắp làng trên xóm dưới để bán vé số. Vậy nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình ngưng việc hiến máu cứu người. Mỗi lần hiến máu là chị lại phải đi xe đò để về Trung tâm Y tế huyện Định Quán hoặc xa hơn thì vào TP Hồ Chí Minh. Những lần như vậy chị đều phải tự xoay xở kinh phí ăn uống, đi lại. Chị cho biết, trong bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đang cần những giọt máu của mình. Nếu thiếu máu, họ sẽ không bao giờ khỏi bệnh hoặc có thể sẽ mất đi cơ hội sống. Vậy nên dù khó khăn đến mấy chị cũng tìm cách đi hiến máu.

 

Với tinh thần “mỗi giọt máu cho đi là một mạng người ở lại” nên đến nay chị đã 66 lần đi hiến máu. Mỗi lần như vậy, chị cho đi ít nhất 450ml máu và nhiều nhất có thể lên đến 1 lít. Một trong những kỷ niệm nhớ đời nhất đối với chị Điệp là vào năm 2008, sau khi hiến máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, chị bắt xe ôm ra bến xe để về Đồng Nai. Đang đi trên đường thì bắt gặp một vụ tai nạn khiến một phụ nữ nguy kịch. Thấy vậy, chị lại lao vào đưa người phụ nữ đó đi cấp cứu.

 

“Lúc đó tôi không nghĩ gì tới chuyện về nhà mà cứ chạy ra chạy vào lo lắng cho tính mạng của người đó. Thấy bác sỹ bảo cần máu để phẫu thuật, tôi đã làm các thủ tục để cho máu. Lần đó tôi phải giấu bác sỹ, không dám nói rằng mình vừa mới cho máu vì theo quy định, phải 3 tháng sau mới được hiến máu trở lại. Lần đó tôi cho chị ấy gần 1 lít máu nhưng may mắn không bị ảnh hưởng gì. Bây giờ nghĩ lại thấy mình liều thật”, chị Điệp nhớ lại.

 

Không chỉ hiến máu cứu người, hàng ngày cùng với việc đi bán vé số, chị lại tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia hiến máu. Chị chia sẻ: “Người hiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người không hiểu thì cho mình là người điên. Có người nói rằng mình quá nghèo nên phải vào bệnh viện bán máu lấy tiền nuôi thân. Đôi lúc nghĩ lại rất tủi phận”.

 

Góp phần mang lại mạng sống cho nhiều người nhưng bản thân chị lại là người phụ nữ thiệt thòi hơn ai hết. Chồng bỏ đi, chị ở vậy một mình nuôi con. Nhưng may mắn không mỉm cười với chị khi người con gái duy nhất của chị bị bệnh hẹp van tim. Gia cảnh khó khăn nên chị đành cầm cố sổ đỏ lấy tiền chữa bệnh cho con.

Không những hiến máu cứu người, chị Điệp còn hiến xác cho y học. Tháng 12 năm 2012, tâm nguyện hiến xác của chị đã được trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chấp nhận. Vừa cầm tấm thẻ “Tự nguyện hiến thi hài sau khi qua đời cho y học” trên tay, chị vừa tâm sự: “Tôi nghĩ, cái chết của mình phải là cái chết có ích cho xã hội. Nếu xác của mình đem an táng thì mình chẳng giúp ích được gì. Hiến xác cho y học là điều rất nên làm”.

 

Chị cũng gặp gỡ, chuyện trò với những người bạn để động viên họ cũng hiến xác cho y học. Nhiều lần như vậy, chị bị người ta mắng chửi, thậm chí bị đánh.

 

Bà Lương Thanh Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán, Đồng Nai, xác nhận: “Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp có hoàn cảnh khó khăn và phải đi bán vé số mưu sinh. Những năm qua, chị Điệp luôn là người tiêu biểu của phong trào hiến máu tình nguyện. Đó là việc làm cao quý và đáng được biểu dương. Ngoài hiến máu cứu người, hiến xác cho y học, Điệp vận động rất nhiều người trên địa phương tham gia chương trình hiến máu và hiến xác”.

 

Tháng 6 năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tặng chị bằng khen “Có thành tích xuất sắc hiến máu tình nguyện năm 2011”. Tháng 12 năm 2011, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng chị Kỷ niệm chương “Có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo, góp phần xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh”. Tháng 6 năm 2012, chị được Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tặng kỷ niệm chương “Người hiến máu tình nguyện, tiêu biểu Việt Nam năm 2012”. Năm 2012, chị Điệp được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì “Có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2011”.

 

Minh Hậu