Người nước ngoài nuôi cá ở Cam Ranh: Đã phạt nhưng... không báo cáo

(Dân trí) - Chiều ngày 6/6, ông Nguyễn Khiêm - Chánh văn phòng UBND TP Cam Ranh - cho biết, UBND TP mới có dự thảo về vấn đề người Trung Quốc kinh doanh trên Vịnh Cam Ranh. Văn bản này sẽ được hoàn thiện và báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 7/6.

Theo ông Nguyễn Khiêm, giữa tháng 5/2012, UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra định kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ thủy sản của cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cam Ranh.

 

Ông Nguyễn Khiêm - Chánh văn phòng UBND TP Cam Ranh

Ông Nguyễn Khiêm - Chánh văn phòng UBND TP Cam Ranh

 

Qua kiểm tra cho thấy trên vùng biển thuộc Vịnh Cam Ranh không có người Trung Quốc dựng bè nuôi cá, nuôi tôm kiên cố mà chỉ có Công ty Song Phong thuê lại bè nuôi cá của Công ty TNHH Hải Long (theo hợp đồng ký ngày 1/1/2002, thời hạn hợp đồng là 10 năm).

 

Bè cá của Công ty Song Phong đang hoạt động nằm vị trí 11061’5 N – 109009’5 E (phường Cam Linh, Cam Ranh), trên vùng nước thuộc Cảng vụ Ba Ngòi do đại diện Cảng vụ Nha Trang tại Cam Ranh Quản lý và được Cảng vụ Nha Trang đồng ý cho neo đậu tại vị trí hiện nay. Trên bè cá của công ty Song Phong có 2 lao động quốc tịch Trung Quốc là ông Ou Ha, ông Deng You Gan là nhân viên kỹ thuật về nuôi dưỡng cá mú, có giấy phép do Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cấp.

 

Năm 2006, Công ty Song Phong đã được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa xác nhận “bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, đủ điều kiện nuôi dưỡng cá đối tượng thủy sản”. Công ty này sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà không có giấy chứng nhận sử dụng mặt nước biển, không được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản và kiến nghị UBND TP có biện pháp xử lý. UBND TP đang xác lập hồ sơ, kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.

 

Trước đó, năm 2009 UBND thị xã Cam Ranh (nay là TP Cam Ranh) đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực thương mại, lao động, an ninh và trật tự an toàn xã hội với cá nhân và tổ chức tại khu vực biển thuộc Vịnh Cam Ranh. Đã ban hành quyết định xử phạt số 105/QĐ-XPHC ngày 25/1/2010 về vi phạm xây dựng công trình nổi ở vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền với công ty Song Phong, đại diện là ông Võ Thanh Long, mức phạt 5 triệu đồng; buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

 

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của công ty này, UBND TP Cam Ranh chưa có sự phối hợp đồng bộ với các ngành của tỉnh và chưa báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để có biện pháp giải quyết đồng bộ và triệt để. Vì vậy, Công ty Song Phong đã không khôi phục lại hiện trạng ban đầu mà tiếp tục hoạt động mở rộng tại vùng vịnh Cam Ranh.

 

Ông Khiêm khẳng định, UBND Thị xã Cam Ranh trước đây cũng như các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa không cấp phép hoặc thỏa thuận việc cấp phép cho bè cá của Công ty Song Phong hoạt động trên vùng biển thuộc Vịnh Cam Ranh.

 

Đoàn kiểm tra của UBND TP Cam Ranh còn phát hiện 7 người người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú tại 4 điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Cam Ranh. Về vấn đề này, UBND TP đã kiến nghị Công an tỉnh xử phạt theo thẩm quyền đối với 7 người Trung Quốc (trong đó có 2 người trên bè cá của Công ty Song Phong). Ông Khiêm xác nhận, 7 người Trung Quốc này đã về nước.

 

Theo ông Khiêm, dự kiến sau khi kết thúc đợt kiểm tra (sau ngày 15/6/2012), Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện các nhiệm vụ chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót hạn chế và xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản và quản lý người nước ngoài trên địa bàn.

 

Ngày 6/6, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cũng đã tiến hành mời 4 người Trung Quốc lao động trái phép tại cơ sở thu mua tôm, trên địa bàn phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang lên làm việc. Tuy nhiên 4 người này đã rời khỏi khách sạn và bỏ đi mất. Cả 4 người Trung Quốc này có thị thực thương mại, nhưng không có giấy phép lao động.

 

Bộ đội biên phòng cũng kiến nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Ban quản lý KKT Vân Phong (Khánh Hòa) nên rút giấy phép lao động vừa được gia hạn cho 3 lao động người Đài Loan đang làm việc nuôi trồng hải sản tại Công ty Long Phát (huyện Vạn Ninh) vì doanh nghiệp này hoạt động trái phép từ 2007 đến nay.

 

Sau khi thông tin người Trung Quốc cư trú không phép trên địa bàn tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra rà soát. Thống kê đến thời điểm này Khánh Hòa có 23 người Trung Quốc hoạt động nuôi trồng và thu mua hải sản trái phép trên các vùng biển thuộc địa bàn TP Cam Ranh, huyện Vạn Ninh và TP Nha Trang.
 

Hải Anh