Người họa sĩ không tác phẩm

(Dân trí) - Hễ ở đâu có hội chợ, triển lãm… thì ở đó có anh. Một chiếc bàn nhỏ, một cái ghế, xấp giấy A4 và cây bút chì, anh ngồi đó thả hồn theo từng nét vẽ. Những gương mặt nam thanh nữ tú, em bé thơ ngây giòn tan nụ cười, cụ già móm mém mồm trầu hay những ông Tây tóc xoăn tít... Anh là hoạ sĩ ký hoạ Văn Long.

Những năm đầu của thập niên 90 ở Việt Nam xuất hiện cao trào của thú chơi chữ rồng phụng. Từng khía của cây bút gỗ làm thành gân sớ cho những đường mực nước càng lung linh huyền ảo. Nhưng rồi những mẫu cô tiên, ông phúc, lộc, thọ… của loại chữ rồng phụng phong nhã này cũng tắt lịm theo cơ chế thị trường.

 

Trước thử thách nghiệt ngã của cuộc sống, Văn Long cũng đành gác bút để bon chen với cơm áo gạo tiền. Anh nhớ lại, thời gian sau giải phóng đầy rẫy những khó khăn. Gia đình cản trở, có lúc anh chị em bảo đi bán cơm, bán thịt chó để thay đổi cuộc sống. Nghe lời động viên nhưng sao Long vẫn thấy lòng buồn rười rượi. Anh tâm sự: “Có lúc tưởng chừng tôi phải về cuốc đất trồng ruộng. Muốn bứt phá nhưng không được nên luôn mặc cảm u hoài”.

 

Bởi cái thuở 13 đã theo thầy học vẽ, nên “lửa nghề” vẫn âm ỉ cháy trong anh. Những ngày nằm trên chiếc xích lô đợi khách, anh lại lấy giấy ra vẽ. Khát vọng được ung dung tự tại thả hồn theo từng nét bút giục anh đi theo tiếng gọi của con tim.

 

Và năm 2000, anh bắt đầu cầm bút trở lại. Sẵn có vốn về hội hoạ, ban đầu anh theo thư pháp nhưng sau đó tách hẳn ra ký hoạ chân dung để tạo lối đi cho riêng mình. Trước đây, nếu nói đến chữ rồng phụng người ta nhớ đến cặp hoạ sĩ Văn Quyền - Văn Long, hai người đầu tiên ứng dụng mỹ thuật hội hoạ vào chữ rồng phụng; giờ đây, nói đến ký hoạ chân dung thì Văn Long là số 1. 

 

Theo anh, khó nhất trong ký hoạ là vẽ bút lông mực Tàu trên giấy xuyến chỉ. “Bút sa thì gà chết. Nếu chấm nặng tay thì mực sẽ lem. Độ chính xác phải tuyệt đối. Do đó tạo một áp lực lớn cho hoạ sĩ ký hoạ”.

 

Người họa sĩ không tác phẩm - 1

Một vài tác phẩm của họa sĩ Văn Long.

 

Trong ký hoạ chân dung, mỗi hoạ sĩ có cách thể hiện khác nhau nhưng nhưng đều phải giữ được tâm hồn phóng khoáng, thoải mái. Nhìn anh say sưa phác thảo những đường nét đẹp của một thiếu nữ trong Lễ hội sinh vật cảnh tại công viên Tao Đàn (TPHCM), không ai không trầm trồ, thán phục.

 

Trong những lần hội chợ ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Bến Tre, Long An… nét chì của anh đã phác hoạ hàng trăm gương mặt. Vui nhất là một lần ở Cần Thơ, mấy bác nông dân làm ruộng cũng chen chân với lớp trẻ để được anh vẽ chân dung. Bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố… trên gương mặt người đều được phác hoạ sống động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của họa sĩ Văn Long. Có lúc vẽ xong khách chê không lấy, có người lấy mà không trả tiền, anh cũng không buồn: “Cốt là để thoả niềm đam mê thôi mà”.

 

Lại có những bức vẽ xong, khách mê tít nhưng anh nhất định không giao, bảo “chưa thỏa mãn ý tôi thì tôi chưa chịu”.

 

Hỏi đã bao giờ vẽ người đẹp chưa, anh nói vẽ nhiều rồi. Hỏi đứng trước người đẹp có rung động không? Có chứ. Phải rung động thì nét bút mới có hồn. Tuy nhiên, khi vẽ người đẹp, bức tranh phải cạnh tranh với sắc đẹp của người mẫu. Nét chì của mình phải làm cuộc rượt đuổi với phấn son.

 

Để hoàn thành một bức ký họa, anh chỉ mất 2-5 phút. Có ngày anh vẽ trên 100 bức chân dung. Có ngày anh hý hoáy hết cả 1 gram giấy A4. Mỗi bức chân dung anh lấy 25-30 ngàn đồng. Thế là đủ sống dư dả mà nuôi “lửa nghề”.

 

Cuối ngày, anh lại lui về căn nhà nhỏ ở ngõ hẻm 120/43/18 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM. Ở đó có người mẹ già đang chờ anh. Chính vì mẹ mà anh chưa thể thực hiện ước mơ được đi khắp đất nước, thả hồn theo từng hơi thở vùng miền.

 

Tính đến thời điểm này, anh đã khắc họa hàng ngàn bức chân dung. Nhưng anh vẫn nhận mình là người hoạ sĩ không tác phẩm. Anh ao ước có một phòng tranh để trưng bày, biết bao người đề nghị anh mở lớp dạy nhưng rồi cuộc sống khó khăn, anh cứ lần lữa mãi.

 

Anh tâm sự: “Ký hoạ là thể hiện sự thăng hoa của cái đẹp. Đẹp của chân dung khác đẹp của phong cảnh. Như là duyên là nợ, tôi mãi đắm chìm trong cái đẹp của ký hoạ chân dung”.

 

Công Quang