1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Ninh:

Người dân Ném Thượng vẫn “chém lợn” trong ngày hội làng

(Dân trí) - Sáng nay 24/2, bỏ qua mọi ý kiến phản đối, người dân Ném Thượng, thuộc phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, vẫn tiến hành “chém lợn” trong ngày hội làng.

Ghi nhận của PV Dân trí vào sáng nay 24/2 (nhằm ngày mùng 6 Tết), tại sân Đình Ném Thượng, hàng ngàn người dân, du khách bốn phương đổ về chật kín để được tận mắt chứng kiến nghi thức “chém lợn”

Đúng 12 giờ trưa nay, tục “chém lợn” giữa sân Đình vẫn được người dân làng Ném Thượng tiến hành. Rất đông người dân tập trung chờ xèm nghi thức "chém lợn" để cầu may. Sau khi tổ chức  nghi lễ tại Đình, đoàn rước hai “ông Ỉn” tiến hành đi quanh làng trước khi diễn ra nghi lễ "chém lợn" tại đình làng.

Người dân bốn phương đổ xô về Đình Ném Thượng để tận mắt chứng kiến tục chém lợn.
Người dân bốn phương đổ xô về Đình Ném Thượng để tận mắt chứng kiến tục chém lợn.
Người dân bốn phương đổ xô về Đình Ném Thượng để tận mắt chứng kiến tục "chém lợn".

Khi lễ rước trở lại sân đình, đúng 12h trưa, hai tướng thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi để khai đao chém hai cụ ỉn tế thánh. Thịt lợn tế thánh xong được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc.

Khi thực hiện xong nghi lễ chém lợn, một số người dân đã cùng nhau nhúng tiền vào máu lợn bởi họ quan niệm máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng tươi tốt. Dù hành động nhúng tiền vào máu tươi không nằm trong nghi thức của lễ hội.

Có rất đông phóng viên đến đưa tin nhưng không được ban tổ chức cho vào trong khu vực chém lợn. Do rất đông người dân đến dự nên nhiều người phải trèo lên tường, trèo lên cây để xem, trèo lên mái nhà.

Lý giải việc vẫn giữ nghi thức trên, các cụ cao tuổi làng Ném Thượng cho biết, họ vẫn giữ nghi thức truyền thống như chém lợn vì đây là nghi thức cúng tế thần linh truyền thống của làng Ném Thượng với ý nghĩa tốt đẹp là tôn vinh công lao của thành hoàng Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng và cầu cho mùa màng bội thu...


Tục chém lợn vẫn hiên ngang diễn ra tại Đình Ném Thượng - TP Bắc Ninh vào lúc 12 giờ ngày 24/2.

Tục "chém lợn" vẫn hiên ngang diễn ra tại Đình Ném Thượng - TP Bắc Ninh vào lúc 12 giờ ngày 24/2.

Các cụ cao niên trong làng cũng bày tỏ sự bức xúc khi có nhiều tổ chức cá nhân đánh giá lễ hội là dã man. Bản thân người dân Ném Thượng cho rằng, đây là lễ hội truyền thống có từ hơn 800 năm trước, do chiến tranh nên mới được khôi phục trong thời gian gần đây, các nghi thức trong lễ hội không vi phạm pháp luật và ngay nghi thức chém lợn ở sân đình cũng vậy. Đó là nét văn hóa truyền thống được lưu truyền qua nhiều đời nay.

Trao đổi với PV Dân trí, cụ ông Nguyễn Văn Hưng (85 tuổi, một trong những người cao tuổi làng NémThượng), cho biết đây là lễ hội cổ truyền của làng có lịch sử cách đây 850 năm nhưng mới được phục dựng lại từ năm 2000. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm thành hoàng làng.

“Đây là lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức được gìn giữ. Việc chém lợn không có gì là phản cảm bởi đó là một phần của truyền thống văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chúng tôi sẽ vẫn gìn giữ và tổ chức theo nghi lễ cổ xưa”, ông Hưng cho biết.

Nhiều người dân làng Ném Thượng cho rằng, lễ hội này được gìn giữ như một nét văn hóa của làng Ném Thượng để con cháu đời đời nhớ ơn người có công với làng.

Vì thế, dù các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa có chỉ đạo của cấp trên là sau khi rước lợn sẽ làm cỗ ngọc tế thánh ở phía Tây đình, hạn chế người tham gia. Tuy nhiên, các cụ người cao tuổi trong làng ai cũng muốn duy trì nghi thức truyền thống. Bởi đây là lễ hội truyền thống của làng Ném Thượng.

Cũng theo ghi nhận của PV Dân trí tại hiện trường, nhiều người dân cũng rất hồ hởi trước tập tục “chém lợn”, họ tập trung kín đặc xung quanh chú lợn để chứng kiến các “đao phủ” giơ đao chém đầu lợn. Và dù cán bộ chuyên trách và đại diện chính quyền địa phương có ý kiến và vận động trước đó, nhưng người dân làng Ném Thượng vẫn không chịu thay đổi cách “chém lợn” bằng mổ lợn, như mong muốn của tỉnh Bắc Ninh trước đó.

Theo những người dân làng Ném Thượng, nghi thức "chém lợn" không vi phạm pháp luật nên dân làng sẽ tự quyết định nhằm giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Lễ hội "chém lợn" năm nay cũng sẽ được tổ chức quy mô, hoành tráng hơn so với mọi năm bởi lượng du khách tham dự sẽ đông hơn.

Trước đó, cuộc họp giữa đại diện dân làng Ném Thượng với lãnh đạo thành phố Bắc Ninh chưa đi đến thống nhất về tổ chức nghi thức "chém lợn". Ngày 13/2, trưởng các dòng họ trong làng Ném Thượng đã họp bàn với nhau và đi đến thống nhất giữ nghi thức truyền thống "chém lợn" ở sân đình.

Nghi thức rước cụ Ỉn vào Đình để các đao phủ thực hiện việc hành quyết.
Nghi thức rước cụ Ỉn vào Đình để các đao phủ thực hiện việc hành quyết.
Nghi thức rước "cụ Ỉn" vào Đình để các "đao phủ" thực hiện việc hành quyết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, phía Sở đã làm việc với lãnh đạo thành phố, ban tổ chức lễ hội địa phương, vận động các cụ tổ chức thực hiện nghi thức truyền thống rước lợn sau đó đem ra sau đình mổ lợn làm cỗ ngọc tế chứ không "chém lợn" giữa sân đình. Ngày mai 24/2, thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo Thành phố Bắc Ninh sẽ xuống kiểm tra lễ hội Ném Thượng.

Theo Tổ chức Động vật Châu Á, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một cách đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Đây là lễ hội tàn bạo, có những tác động tiêu cực đối với xã hội và đang bị lên án mạnh mẽ.

Trước ngày diễn ra tục “chém lợn”, trả lời phỏng vấn của PV Dân trí, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, cách đây hai năm, tục “chém lợn” gây phản cảm đã không còn duy trì tại lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh).

Ông Quỳnh cũng bày tỏ quan điểm là địa phương không nên duy trì tục “chém lợn” vì đối với phần lớn người dân đây là hành vi phản cảm, không phù hợp với nhận thức chung của xã hội. 


Q.Đô - B.Đoàn