Người dân mua căn hộ tại 8B Lê Trực cầu cứu Bộ Xây dựng

(Dân trí) - Sáng nay 18/3, ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc, lắng nghe ý kiến của những người dân mua căn hộ tại công trình 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) đang bị cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người dân mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực (Ảnh: Thế Kha).
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người dân mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực (Ảnh: Thế Kha).

Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân (Tập thể In Ngân hàng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết cả gia đình đã phải xoay xở vất vả để có được số tiền rất lớn mua căn hộ tại 8B Lê Trực.

“Chúng tôi đã gửi gắm tất cả tài sản của mình vào đó để mong được sinh sống ổn định và làm việc tại nơi cực kỳ tĩnh lặng, có môi trường trong sạch hơn, vậy mà chủ đầu tư đã xây dựng sai với giấy phép xây dựng để rồi đưa đến hậu quả không lường trước được. Cơ quan quản lý chuyên ngành thì chưa sát sao với công việc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo giấy phép để ngăn chặn sớm những vi phạm, để không có sự việc sai phạm ngày hôm nay. Lỗi ở chủ đầu tư và nhà quản lý, còn người dân chúng tôi mua căn hộ ở đấy là người vô tội”- bà Xuân nói.

Để có tiền mua căn hộ tại 8B Lê Trực, gia đình bà Xuân đã phải bán nhà cửa, đất đai, vay mượn khắp nơi. “Suốt thời gian qua gia đình tôi phải thuê nhà ở, hi vọng sẽ được nhận nhà theo kế hoạch để ổn định cuộc sống nhưng đến giờ chưa biết bao giờ mới nhận được nhà hoặc có nhận được nhà hay không. Nếu phải thuê nhà dài dài thì lấy tiền đâu sinh sống đây ?”- bà Xuân chua xót.

Một người mua căn hộ khác tại 8B Lê Trực là ông Nguyễn Sỹ Duyên khẳng định, hàng trăm người dân mua nhà tại 8B Lê Trực đều đã nộp được 90% giá trị căn hộ.

“Mỗi lần tới đó thấy hàng chục người đập đập, phá phá mà chúng tôi đau lòng lắm. Tại sao phương án phá dỡ chưa có, chúng tôi chưa biết gì về phương án đó mà họ cứ đập đập mãi thế, rơi vãi vật liệu khắp xung quanh, ảnh hưởng tới chất lượng công trình, nhà cửa của chúng tôi như vậy? Chúng tôi phải dùng tiền tích cóp cả đời, vay mượn bạn bè, anh em để hi vọng có được một căn hộ đẹp, sang trọng nhưng bây giờ đập phá như thế thì chất lượng, tuổi thọ của căn hộ nhà chúng tôi ai, cơ quan nào sẽ đảm bảo đây? Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng phải tiến hành kiểm tra ngay phương án phá dỡ xem đảm bảo chưa, chứ cứ đập phá bỏ phần vi phạm như thế này thì chết người dân mua căn hộ chúng tôi”- ông Duyên thẳng thắn.

Đề nghị xử lý nghiêm minh những cán bộ có sai phạm liên quan đến 8B Lê Trực, ông Duyên cho rằng với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Xây dựng phải bảo vệ quyền lợi của cả hàng trăm người dân mua căn hộ tại đây.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Cảnh đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng phối hợp với cơ quan nhà nước liên quan vào cuộc xem xét, thẩm định việc phá dỡ phần vi phạm có đúng quy định và bảo vệ được chất lượng, tuổi thọ của các căn hộ chung cư phía dưới.

“Chúng tôi đặt cược công sức lao động cả đời vào dự án ít nhất cũng sống tốt đẹp trong 50 năm nhưng nay tháo dỡ, đập phá như vậy thì liệu chúng tôi có thể sống an toàn 20-30 năm hay không? Lỗi hoàn toàn do chủ đầu tư và các cơ quan quản lý xây dựng không ngăn chặn sai phạm kịp thời. Chúng tôi- người dân đầu tư số tiền rất lớn để mua căn hộ tại đó- có lỗi gì trong chuyện này?”- giọng bà Nguyễn Thị Hồng Xuân nghẹn đắng.

Việc cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm tại 8B Lê Trực được tiến hành từ ngày 6/3 vừa qua (Ảnh: Quang Phong).
Việc cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm tại 8B Lê Trực được tiến hành từ ngày 6/3 vừa qua (Ảnh: Quang Phong).

Lắng nghe, chia sẻ với những bức xúc, lo lắng của người dân, ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết UBND quận Ba Đình là cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế diện tích sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

“Một công trình như thế ai cũng biết, không phải cái kim. Để xây dựng được như vậy cho thấy công tác quản lý rất buông lỏng, để lại hậu quả rất lớn về mặt xã hội nên phải có trách nhiệm giải quyết trên nguyên tắc vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm. Còn việc làm sao đảm bảo quyền lợi của người dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền”- ông Yên nói.

Ông Phạm Gia Yên khẳng định sẽ lập tức báo cáo sự việc tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng và chuyển đơn thư, nguyện vọng chính đáng của những người dân mua căn hộ tại 8B Lê Trực tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

“Việc phá dỡ phải có phương án kỹ lưỡng và phải do những người có trình độ chuyên môn lập, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị phá dỡ cũng phải có chuyên môn. Chúng tôi sẽ chuyển đơn này để Hà Nội kiểm tra ngay, nếu không đúng điều kiện thì phải dừng. Tôi rất thông cảm với các bác là những người mua nhà ở đấy. Chúng tôi sẽ yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý ngay”- ông Yên hứa với người dân.

Trước đó, như Dân trí phản ánh, sáng 6/3 vừa qua UBND quận Ba Đình đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. Việc tháo dỡ dự kiến được tiến hành cho tới khi “cắt gọt” hết phần sai phạm. Theo những chuyên gia trong ngành xây dựng, ngoài việc tốn kém số tiền không nhỏ để tiến hành tháo dỡ, tuổi thọ, chất lượng công trình có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Người dân sống quanh công trình 8B Lê Trực cũng “kêu”

Những người dân sinh sống xung quanh công trình số 8B Lê Trực cũng vừa có đơn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đề nghị xem xét lại việc phá dỡ vi phạm tại công trình này. Theo đó, việc sử dụng máy móc phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn về bụi bẩn, tiếng ồn, rung chấn liên tục từ ngày này sang ngày khác.

“Các hộ dân chúng tôi đang rơi vào tình cảnh nguy hiểm rình rập. Sai thì xử lý nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân dân, có nhất thiết phải phá dỡ nguy hiểm như thế này không ?”- đơn thư của người dân nêu rõ.

Thế Kha