Quảng Ngãi:

Người dân đảo Bé khát nước sạch

(Dân trí) - Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt hư hỏng, người dân đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) phải mua nước ngọt từ đảo Lớn với giá 200.000 đồng/m3.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Bé liên tục hư hỏng. Từ tháng 9/2019 đến nay, hầu như nhà máy này không hoạt động, do đó 100 hộ dân đảo Bé thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Người dân đảo Bé khát nước sạch - 1

Nhà máy lọc nước tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) liên tục hư hỏng khiến người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt

Nhiều tháng qua, người dân đảo Bé phải sử dụng tiết kiệm nguồn nước mưa dự trữ. Tuy nhiên, lượng nước dự trữ chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn uống. Muốn có nước ngọt để kinh doanh, phục vụ khách du lịch phải mua từ đảo Lớn chở sang.

Nước được vận chuyển từ đảo Lớn sang được bán với giá khoảng 200.000 đồng/m3. Đây là mức giá tại đầu cảng, nếu được vận chuyển đến tận nơi thì có thời điểm giá nước lên đến 300.000 đồng/m3.

Giá nước cao, việc vận chuyển thủ công, cách một ngày nước mới được vận chuyển qua đảo Bé đã gây khó khăn cho người dân. Đặc biệt là các hộ kinh doanh luôn trong tình trạng khan hiếm nước ngọt phục vụ du khách.

Người dân đảo Bé khát nước sạch - 2

Người dân phải mua nước với giá quá cao nên phải sử dụng tiết kiệm hết mức có thể

Theo ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé do một doanh nghiệp tài trợ. Sau một thời gian sử dụng thì nhà máy liên tục hư hỏng do thời tiết quá khắc nghiệt. Đảo Bé vẫn chưa có điện lưới, do đó nhà máy này phải sử dụng điện mặt trời. Nguồn cung điện không ổn định cũng khiến hệ thống điện của máy lọc hư hỏng. Việc sửa chữa rất khó khăn, tốn kém và rất nhanh hỏng hóc trở lại.

"Nhà máy lọc nước hỏng từ tháng 9 năm ngoái. Sau khi sửa chữa thì hoạt động được một thời gian rồi lại hỏng. Do đó, người dân đảo Bé phải mua nước từ đảo Lớn chở sang với giá khá cao", ông Thành nói.

Theo ông Thành, tình trạng khan hiếm nước ngọt tại đảo Bé thường xuyên diễn ra, nhất là vào mùa khô. Trong khi đó, nhà máy lọc nước liên tục hư hỏng ảnh hưởng đến đời sống cũng như hoạt động kinh doanh của người dân.

"Huyện sẽ khảo sát, tính toán lại hiệu quả của nhà máy lọc nước này. Nếu kinh phí sửa chữa quá lớn nhưng vẫn thường xuyên hư hỏng thì sẽ tính đến phương án khác để cấp nước cho người dân", ông Thành cho biết.

 Quốc Triều