Người bị tạm giam, tạm giữ vẫn được bầu cử đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ nên quy định người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người mất năng lực hành vi dân sự… mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Ngày 3/6, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử vì về mặt pháp lý những người này chưa bị coi là có tội và không nên bị tước mất quyền bầu cử.

Ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến nói trên và đề nghị trong Luật chỉ quy định người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Chủ nhiệm
Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (Ảnh Việt Hưng)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (Ảnh Việt Hưng)

“Các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân dự kiến quy định trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trên cơ sở các quy định Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.

Cho ý kiến về dự luật trên, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, ngoài việc cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm và giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện chọn lựa người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình.

“Việc cơ cấu những đại biểu ứng cử ở từng đơn vị bầu cử, không nên quá chênh lệch với nhau về tuổi đời, trình độ, chức vụ, nhân dân. Thường cử tri nói là trong một đơn vị ứng cử, bầu cử, trên một địa bàn bầu cử mà đưa ra những ứng cử viên chênh lệch, như quân đỏ, quân xanh thì khó cho việc cử tri chọn lựa”, đại biểu Đức nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức đề nghị cần có chế tài đối với tình trạng bầu hộ. Theo đại biểu không vì mục đích nhằm đạt chỉ tiêu bầu cử mà thúc ép cử tri đi bầu cử, việc này sẽ vi phạm đến quyền bầu cử của công dân. Để khắc phục tình trạng này thì các cơ quan, tổ chức liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân để nhận thức đúng quyền, cũng như trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.

Cùng vấn đề trên đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói: “Trong xu thế bầu cử dân chủ hiện nay, tôi đảm bảo địa phương nào cũng lựa chọn không phải quân xanh, quân đỏ nữa mà lựa chọn những người có thể ai trúng cũng được. Cho nên khi địa phương, Trung ương đưa về 2 đại biểu, nếu lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước hay người có uy tín, người đã nổi bật rồi thì không lo”.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, HĐND là vấn đề quan trọng, quyết định chất lượng đại biểu, quyết định chất lượng của các cơ quan dân cử. Do vậy, theo đại biểu trong Luật nên quy định để nhìn vào đó mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu người ứng cử. Để nhìn vào đó dân biết, người dân lựa chọn để bầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri không phải tra cứu từ luật này sang luật khác, không phải mua tới 3 cuốn sách thì mới hiểu được tiêu chuẩn đại biểu.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Đương còn cho rằng, ở HĐND các cấp ngoài các đại biểu chuyên trách nên chọn những người như nông dân, kỹ sư giỏi, biết tăng năng suất lao động, thậm chí biết chế tạo máy móc nông nghiệp, kể cả máy bay, tàu ngầm. Hoặc những người như cựu chiến binh, công chức Nhà nước chung và cao cấp đã nghỉ hưu.

“Khi tiếp xúc cử tri tôi thấy những người đã về hưu nhưng sức khỏe rất tốt và đặc biệt là tư duy rất trẻ trung, họ có dày dặn kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như công tác. Họ không vướng bận công tác khác cho nên chuyên tâm vào công tác đại biểu”, ông Đỗ Văn Đương nói.

Quang Phong