Hà Tĩnh:

Ngừng ngay các cuộc họp, tập trung ứng phó bão số 2

(Dân trí) - Trước những diễn biến phức tạp cơn bão số 2, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu thủ trưởng đầu ngành, chủ tịch UBND các huyện thị ngưng các cuộc họp để tập trung chỉ đạo, phòng chống mưa bão, giảm thiệt hại thấp nhất khi bão đổ bộ đất liền.

Thông tin trên vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thông tin nhanh tới PV Dân trí vào trưa 16/7.

Tiếp thu các chỉ đạo trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai với 28 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh (BCH PCTT Hà Tĩnh) đã chỉ đạo Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện ven biển theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển;

Thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để vào nơi an toàn hoặc thoát ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của ATNĐ; Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Khu vực nguy hiểm được xác định trong 24h tới từ vĩ tuyến 15,5-­19.50 độ Vĩ Bắc và từ kinh tuyến 109,00 đến 113,50 độ kinh Đông, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại Hà Tĩnh, sau khi xuất hiện gió lớn vào giữa buổi sáng, đến tầm trưa, gió bão nhẹ hơn, thậm chí có thời điểm gió ngưng thổi. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là dấu hiệu bão sắp đổ bộ vào đất liền.
Tại Hà Tĩnh, sau khi xuất hiện gió lớn vào giữa buổi sáng, đến tầm trưa, gió bão nhẹ hơn, thậm chí có thời điểm gió ngưng thổi. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là dấu hiệu bão sắp đổ bộ vào đất liền.

BCH PCTT Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết;

Kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại thi công ven sườn núi, vùng ven sông, ven suối; có biện pháp cảnh báo và hướng dẫn giao thông đi lại của nhân dân khi qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối, bến đò ngang để tránh xảy ra tai nạn do bất cẩn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có vêu cầu.

Đặc biệt, với 190 hồ đập trên địa bàn xuống cấp, tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Nghi Xuân, BCH PCTT Hà Tĩnh, BCH PCTT Hà Tĩnh yêu cầu Ban Chi huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực điều tiết tiêu thoát lũ tại các cống tiêu, tránh ngập úng diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn; chủ động phương án đảm bảo an toàn hạ du và công trình trong trường hợp các hồ chứa xả lũ;

Các chủ đầu tư cần tập trung lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình XDCB; đặc biệt là đối với các công trình đê điều, hồ chứa nước đang thi công dang dở, có phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có mưa lũ lớn xảy ra.

Văn Dũng