Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam:

Nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, trừng phạt tàn bạo

(Dân trí) - Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam vừa được Quốc hội thông qua chiều nay 25/11 (có hiệu lực từ 1/7/2016), nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Tổ chức lại cơ sở giam giữ

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển giao các trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh (Bộ Công an) về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý (Tổng cục VIII), bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra. Ý kiến khác đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý.

Do ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Trong tổng số 425 phiếu hợp lệ có 326 phiếu đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý (chiếm 76,70% số phiếu hợp lệ và chiếm 65,99% tổng số đại biểu Quốc hội); chỉ có 97 phiếu đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý (chiếm 22,82% số phiếu hợp lệ và chiếm 19,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Tổng cục VIII là cơ quan có nhiệm vụ giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công tác tạm giữ, tạm giam trên phạm vi cả nước. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một Phó Tổng cục trưởng không phải là Thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

Cụ thể tại điều 10 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm: a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam; b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ, ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong công an nhân dân.

 

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam giao Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam (Ảnh minh họa).
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam giao Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam (Ảnh minh họa).

Nghiêm cấm truy bức, dùng nhục hình

Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do; giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Đồng thời nghiêm cấm việc cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan. Nghiêm cấm thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật “cùm một chân” vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Tuy nhiên, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ.

“Quy đinh này là phù hợp và  không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên”-Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội thông qua đã quy định rõ: “Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người chưa thành niên, phụ nữ, người khuyết tật nặng, người từ đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà”.

Giam riêng người bị kết án tử hình

Điều 37 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình. Theo đó, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được hưởng chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, nhận quà như người bị tạm giam khác.

Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án do giám thị trại tạm giam quyết định. Việc tổ chức thăm gặp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Cơ sở giam giữ phải bảo đảm cho người bị kết án tử hình thực hiện quyền kháng cáo, quyền đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền xin ân giảm án tử hình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quyền khác của người bị tạm giam theo quy định của luật này.

Trư­ờng hợp ngư­ời bị kết án tử hình có quyết định ân giảm xuống tù chung thân hoặc có bản án giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển ngư­ời đó đến nơi giam giữ người chờ chấp hành án phạt tù. Trư­ờng hợp hủy án để điều tra lại thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển người bị kết án tử hình đến buồng tạm giam để phục vụ hoạt động điều tra.

“Trại tạm giam phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ người bị kết án tử hình. Trong quá trình quản lý tạm giam người bị kết án tử hình, nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa”- luật nêu rõ.

 

Người bị tạm giam, tạm giữ được đọc báo, nghe đài

Theo điều 31 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ sở giam giữ được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình 20 người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ sở giam giữ có dưới 20 người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì được cấp 1 tờ báo địa phương hoặc báo trung ương.

Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe đài phát thanh, đọc báo. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem chương trình truyền hình địa phương và trung ương.

Thế Kha