Nghệ An:

Nghị trường “nóng” vì câu chuyện nghịch lý người dân miền núi từ chối gạo hỗ trợ

(Dân trí) - Gạo nấu cơm bở, ăn không ngon, nhanh đói, thậm chí dùng để nấu rượu cũng không đạt (?); hỗ trợ 1 lần ăn không hết dẫn đến ẩm, mốc nên một số nơi ở Nghệ An đã xảy ra tình trạng người dân từ chối nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước. Các đại biểu kiến nghị thay đổi phương thức hỗ trợ bằng tiền để người dân chủ động mua gạo.

Nghị trường “nóng” vì câu chuyện nghịch lý người dân miền núi từ chối gạo hỗ trợ - 1
Người dân xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng.

Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực tại 4 huyện vùng cao Nghệ An gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong được triển khai từ cuối năm 2016. Theo quyết định 2345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 13.575,15 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Nghệ An trong giai đoạn thực hiện Đề án nói trên (2016-2020).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án đã nảy sinh nhiều bất cập. Những bất cập này cũng đã được lãnh đạo các huyện miền Tây Nghệ An mổ xẻ tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đang diễn ra.

Nghị trường “nóng” vì câu chuyện nghịch lý người dân miền núi từ chối gạo hỗ trợ - 2
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông: Cần hỗ trợ gạo cho hộ dân có khả năng chăm sóc, bảo vệ rừng.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông, bất cập lớn nhất hiện nay là số gạo này được hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ neo đơn, trong khi đó hộ cận nghèo, hộ có lực lượng lao động trẻ, khỏe tham gia bảo vệ rừng thì lại không được hỗ trợ.

“Khi xảy ra cháy rừng thì những hộ được hỗ trợ gạo gần như không đi được vì sức khỏe yếu. Hơn nữa, việc hỗ trợ gạo thực hiện 1 lần, người dân ăn không hết, để mốc không sử dụng được. Vấn đề này người dân kêu nhiều rồi, kêu HĐND xã, kêu lên huyện, kêu lên HĐND tỉnh, kêu lên tận Quốc hội. Tôi nghĩ chúng ta cần có sự điều chỉnh để làm sao cả hộ cận nghèo, hộ gia đình có đủ điều kiện bảo vệ rừng được hưởng gạo này”, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề gạo hỗ trợ cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn lại cho rằng chất lượng gạo quá kém. Nhiều người dân ở huyện Kỳ Sơn từ chối, không nhận gạo hỗ trợ.

Nghị trường “nóng” vì câu chuyện nghịch lý người dân miền núi từ chối gạo hỗ trợ - 3
Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, nhiều nơi người dân từ chối nhận gạo hỗ trợ. Do vậy ông Hoàng đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để người dân mua gạo.

“Người dân bảo gạo này nấu rượu cũng không được. Gạo được cấp là gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, cũng không biết có phải đã lâu không nhưng người dân bảo ăn không ngon, trong khi đó đồng bào quen ăn lúa rẫy, cơm dẻo, thơm. Mục đích là ăn gạo để bảo vệ rừng mà gạo người dân không ăn được thì hỗ trợ làm gì?”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch huyện Kỳ Sơn cũng đặt vấn đề phải chăng “gạo 2345” là để tiêu thụ cho gạo dự trữ quốc gia? Việc cấp gạo mà người dân không ăn được, từ chối nhận cũng thể hiện sự tôn trọng người dân hay không từ phía cơ quan có thẩm quyền. Ông Hoàng đề xuất thay đổi phương thức hỗ trợ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo miền núi tham gia bảo vệ rừng.

Nghị trường “nóng” vì câu chuyện nghịch lý người dân miền núi từ chối gạo hỗ trợ - 4

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương: Không chỉ gạo chăm sóc bảo vệ rừng mà gạo hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số cũng "có vấn đề".

“Nên chăng hỗ trợ bằng tiền mặt để người dân tự mua gạo ăn. Bây giờ người ta đã tiến tới ăn ngon mặc đẹp sao hỗ trợ gạo không ngon cho bà con giữ rừng?”, ông Hoàng phân vân.

Không chỉ gạo hỗ trợ bảo vệ rừng mà theo ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương, gạo hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cũng “có vấn đề”. “Chúng tôi không dám chê gạo hỗ trợ của Nhà nước nhưng nói thật, không hiểu sao gạo hỗ trợ cho học sinh ăn rất mau đói (hạt gạo khi nấu nở rất to), ăn xong, chưa đến nửa buổi đã đói rồi”, ông Hải thông tin.

Về những bất cập liên quan đến gạo hỗ trợ bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết sẽ ghi nhận và có văn bản báo cáo, đề xuất với Trung ương để có những điều chỉnh phù hợp, phát huy một cách hiệu quả nhất chính sách nhân văn này.

Hoàng Lam